Monday, August 22, 2011

TRÊN ĐỒI TĂNG NHƠN PHÚ

Pháo Thủ Nguyễn Đức Đệ
 
Sinh năm 1922 tại Quảng Ngãi.
Năm 1952 đậu Tú Tài Pháp và làm Tham Sự Hành Chánh tại Tòa Khâm Sứ Pháp ở Huế.
Tháng 4 năm 1953 gọi động viên, gia nhập Khóa 3 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức,
  tháng 10 mãn  khóa, với cấp bậc Thiếu Úy, binh chủng Pháo Binh.
Ra trường thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 26 Pháo Binh Huế
Năm 1955 Chỉ Huy Trưởng Trường Thiếu Sinh Quân Đệ Nhị Quân Khu Huế
Năm 1958 Chủ sự Văn phòng Giám đốc Nha Nhân Viên Bộ Quốc Phòng
Năm 1961 Chánh Sự vụ Sở Hành Chánh Pháp Chế Nha Nhân Viên
Năm 1962 Du học Pháo Binh Cao Cấp tại Hoa Kỳ
Năm 1963 Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 29 Pháo Binh, Dĩ An, Biên Hòa
Năm 1967 Trưởng Phòng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu .
Năm 1972 Trưởng Ban Liên Hiệp Quân Sự Hai Bên.
Trong thời gian phục vụ trong quân đôị,  lấy được Chứng Chỉ Pháp Văn Thực Hành,
bằng Cử Nhân Luật và bằng Cao Học Hành Chánh. 
Năm 1975 Phụ Tá Thanh Tra Tổng Nha Nhân Lực Quốc Phòng với cấp bậc Đại Tá cho den 30 thang 4 nam 1975, tù cải tạo 13 năm, trong các trại tù nghiệt ngã ngoài Bắc cũng như trong Nam.
Năm 1987 qua Mỹ và định cư tại Orange County cùng với gia đình, đi học lại và lấy dược bằng cử nhân văn chương Pháp tại California State University of Fullerton.
Từ trần vào lúc 12:44 pm (giờ điạ phương) ngày 28 tháng 12 năm 2008  tại West Anaheim Hospital, Orange County, Hoa Kỳ, thọ 86 tuổi.





 Đức Nguyên (Nguyễn Đức Đệ)
Năm ấy, tôi đang làm việc tại thị xã Huế thì bị động viên nhập ngũ vào khóa 3 sĩ quan trừ bị Thủ Đức.  Lệnh gọi được tính từ ngày 1.4.1953.  Trước đó tôi là công chức tại Tòa Ủy Viên Cộng Hòa Pháp.  Nhưng sau khi thi đậu tham sự hành chánh của Pháp, vì bảng cấp số của Tòa Ủy Viên Cộng Hòa chỉ có hai tham sự, các anh Tham Hà Văn Công và Bửu Hương, tôi là người thứ ba nên phải thuyên chuyển đi nơi khác.  De Redon, viên đổng lý sự vụ tại tòa Ủy Viên Cộng Hòa muốn giữ tôi lại giúp việc cho Pháp, nên hỏi ý kiến tôi có muốn vào  Sài Gòn làm ở Phủ Cao Ủy Pháp hay không? Tôi từ chối, vì mới cưới vợ và sinh được đứa con trai đầu lòng, tôi không muốn xa Huế, nơi có gia đình nhà vợ để nương tựa. Sài Gòn quá xa xôi, tôi không quen biết ai, làm sao sống? Gia đình bên tôi còn kẹt ở Quảng Ngãi, vùng cộng sản tạm chiếm.  Do đó tôi chấp nhận phải chuyển sang các cơ quan của chính phủ Việt Nam để được ở lại Huế.  Mới làm việc ở Thị xã Huế có ba tháng đúng, tôi đã có lệnh gọi nhập ngũ.  Đúng là cái số phải xa gia đình.  Khi tới chào từ biệt, ông tỉnh trưởng Thừa Thiên Nguyễn Đôn Duyến cũng ngõ ý tiếc tôi, một viên chức của Pháp siêng năng, cần cù, có óc cầu tiến.
            Nhà tôi ở gần nhà anh Phạm Đình Chi trên đường Phạm Hồng Thái (Verdun cũ), anh Chi cũng là một viên chức của Tòa Ủy Viên Cộng Hòa Pháp Huế, và cũng nhận được lệnh động viên nhập ngũ khóa 3 Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức như tôi.  Chúng tôi hẹn nhau đi trình diện một ngày cho có bạn.  Sáng hôm ấy, tôi từ giã vợ tôi và đứa con trai đầu lòng sinh cuối năm 1952.  Việc gia đình từ nay do vợ tôi lo liệu, nàng mới mười chín tuổi, với một chị người làm ở nhà quê đưa vào.  Có lẽ sau khi tôi đi, vợ tôi sẽ thu xếp trả căn nhà thuê này về tá túc với gia đình nhà vợ ở đường Đào Duy Từ, từ cầu Đông Ba đi xuống nữa, một quãng xa.  Anh Chi cũng từ giã vợ và ba con, hai bé gái và một trai, thằng Cu con anh cũng bằng tuổi với thằng Cu con tôi.  Chúng tôi leo lên hai chiếc xích lô đạp, mặc sơ mi trần dài tay, chiếc va li da để dưới chân, gồm hành trang đem theo, lệnh nhập ngũ trong túi áo.  Hai chiếc xích lô đạp chạy song song, suốt đường Phạm Hồng Thái, ra tận mé sông Hương, rẽ tay trái theo đường Jules Ferry, lên cầu Trường Tiền, đi vào thành nội, và đến trại Duyệt Thị, nơi tạm trú của các sinh viên sĩ quan trừ bị khóa 3, trình diện nhập ngũ.  Tại đây tôi gặp, ngoài anh Lê Văn Đệ, công chức của tòa tỉnh như tôi, một số viên chức hành chánh của các cơ quan khác, các giáo viên tiểu học ở Huế… mà tôi chưa quen biết ngoài đời.  Khá đông người đã đến trại tạm trú, khoảng ba bốn chục anh.  Thuộc lớp tuổi trên dưới ba mươi, thành phần viên chức và giáo viên nhiều nhất.  Các sinh viên học sinh trẻ ít bị gọi nhập ngũ kỳ này, vì kinh nghiệm với khóa 2 Thủ Đức, có một số khóa sinh chống đối lệnh nhập ngũ, đã đánh lại các sĩ quan và hạ sĩ quan huấn luyện người Pháp, mấy sinh viên sĩ quan khóa ấy bị ra binh nhì, đưa đi tác chiến.  Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa ngày ấy mới thành lập, cần có nhiều sĩ quan tốt để chỉ huy, nên hầu như vơ vét gần hết các thành phần công chức trẻ, đã có hay chưa có gia đình, vì cho đó là những phần tử tốt, cuộc sống ổn định, biết tôn trọng kỷ luật quân đội, chứ không nhiều thanh niên tính như sinh viên học sinh, là thành phần của các khóa trước, đã đưa lại kết quả không tốt đẹp như trên.  Với lứa tuổi ba mươi, quân trường dễ nắm các sinh viên hơn về mặt quân kỷ, và hy vọng sẽ đào tạo được nhiều sĩ quan tốt cho quân đội, có đức tính chỉ huy và tinh thần kỷ luật cao.  Đội ngũ sinh viên sĩ quan khóa 3 chúng tôi gồm nhiều người đã “tam thập nhị lập”, có học thức khá, được đào tạo qua nhiều năm công chức Pháp và Việt, nên rất đều đặn, sau này ra trường đặt đâu cũng có thể làm việc được, có hiệu năng.  Đêm đầu tiên xa gia đình, nhớ nhà quá.  Tạm ổn định cuộc sống tập thể, thu xếp chỗ ăn chỗ nằm, giờ giấc.  Chiều chiều, trước khi bóng ngã về đêm, một số chúng tôi lang thang leo lên bờ thành nội, nhìn về phía hữu ngạn sông Hương, nơi đang có gia đình tôi ở đó, mịt mù sau màn sương lam cho đỡ nhớ.  Trước khi trở về lại trại Duyệt Thị, chờ điểm danh và đi nằm, nói chuyện râm rang với những người bên cạnh, ngủ trên những chiếc giường bố của quân đội.  Khá thân với anh Lê Văn Đệ, vì cùng làm việc với nhau tại tỉnh đường, Đệ lớn hơn tôi một tuổi, người đứng đắn, đằm thắm, nên tôi thích nằm cạnh anh, và nghĩ rằng khi vào đến Thủ Đức nếu có thể được sẽ cùng sống chung với nhau đồng đội, đồng phòng. 

Mấy hôm sau, được Trại Nhập Ngũ cho về thăm hai hôm, tôi thuê xe xích lô bay về nhà để gặp vợ con.  Vợ tôi mừng quá, bé Dũng, con trai tôi, mới lên tám tháng, đang ngủ yên giấc trong chiếc nôi buông màn tuyn xanh.  Hai ngày đầm ấm rồi lại ra đi.  Tôi nhân dịp, đến nha sĩ nhổ chiếc răng cấm hàm dưới, bị sâu răng lâu ngày, chỉ còn vành mỏng, nhưng lâu lâu vẫn nhức nhối.  Tôi muốn có sức khỏe đầy đủ để chịu đựng mấy tháng ở quân trường.  Buổi tiệc trà tiễn đưa chúng tôi được tổ chức tại một phòng rộng Trại Duyệt Thị, có Đại tá Trương Văn Xương, tư lệnh Quân Khu 2 chủ tọa, và sự tham dự của một số sĩ quan khóa đàn anh, động viên chúng tôi rất nhiều.  Xếp bút nghiêng!  Cuộc sống của tôi từ nay gắn liền với đời quân ngũ, nhưng tôi chưa hình dung được rõ ràng là sẽ ra sao?  Đời sống quân trường vất vả thế nào, nhất là đối với tôi, sức khỏe không được dồi dào, đi vào quân đội lúc vừa tròn ba mươi tuổi.
    Rời thành phố Huế một buổi sáng trời trong bằng những chiếc quân xa GMC chở chúng tôi từ Duyệt Thị lên ga xe lửa.  Khi đi ngang qua tòa tỉnh Thừa Thiên, lòng tôi buồn man mác.  Nghĩ là mới tháng trước đây tôi còn là một công chức trẻ, đạp chiếc xe đạp mới, đi làm việc và về ngày hai buổi.  Tối đến tôi đọc sách, nói chuyện với vợ, đùa giỡn với con, cứ tưởng cuộc đời công chức sẽ là cuộc đời của mình cho đến ngày tàn xế bóng.  Nhưng lệnh  nhập ngũ đã thay đổi hoàn toàn nếp sống.  Giờ này, những người bạn công chức lớn tuổi hơn tôi vẫn đang ngồi làm việc sau chiếc bàn giấy của họ, đầy hồ sơ vụ việc, nào thuế má, đấu thầu, điạ ốc, các nhà hàng, quán ăn, chợ Đông Ba... của một thị xã Huế đang phát triển.  Còn tôi thì  đang trên đường nhập ngũ, chưa biết tương lai ra sao.  Tiếng súng đại bác vẫn nổ rền mỗi buổi sáng từ những đồn pháo binh bắn yểm trợ các đơn vị bạn, vọng lại ở xa xa.  Cuộc đời của tôi từ nay được liên hệ mật thiết với những người bạn đồng hành ngồi trước mắt trong chuyến xe GMC, và chốc nữa đây trên xe lửa thẳng tiến vào Nam.  Một niềm vui nho nhỏ và hy vọng nhen nhúm lên trong lòng tôi khi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có thể tham gia vào việc bảo vệ đất nước.  Tôi cũng hãnh diện được đóng góp một phần nhỏ nhoi.  Cuộc đời quân ngũ sắp đến chắc chắn sẽ có nhiều ý nghĩa hơn cuộc đời công chức hiện tại bình thường.  Với những ý nghĩ đó tôi đã nguôi bớt nỗi nhớ nhà khi đoàn tàu xa dần miền sông Hương, núi Ngự vào đến ga Lăng Cô, Cầu Hai, để sửa soạn chui vào bảy chiếc hầm ở dãy núi Hải Vân, bắt đầu bằng hai hầm dài nhất, hầm Sen, hầm Súng.
    Đang ngồi nói chuyện với các bạn sinh viên sĩ quan khác trong toa tàu, lúc đoàn xe lửa chạy ngang từ đèo Hải Vân, bỗng một loạt súng AK nổ rang từ phía chân đèo.  Phản ứng nhanh, chúng tôi nằm rạp xuống các băng trong toa tàu, tránh xa các khung cửa sổ tàu rộng lớn.  Trong lòng rất hồi hộp.  Một loạt súng khác, rồi một loạt khác nữa.  Nhưng hình như từ hai chiếc toa bọc kẽm ở đầu và cuối đoàn xe bắn ra để bảo vệ hành khách.  Nhất là có chúng tôi là những tài nguyên quốc gia mà Việt cộng muốn sát hại.  Tiếng súng của đối phương im bặt.  Đoàn tàu vẫn từ từ tiến vào miệng hầm, bình an.  Một người trong chúng tôi vui mừng thốt lên trong bóng tối đen kịt của chiếc hầm: - "Đúng là một lễ "baptêm de feu", phải không các bạn?".  Ai nấy đều cười đồng ý. 

Được vài ngày nghỉ chân tại thành phố Đà Nẵng, đoàn sinh viên sĩ quan miền Trung chúng tôi tổ chức đi thăm Ngũ Hành Sơn, một danh lam thắng cảnh của tỉnh Quảng Nam.  Lần bước đi trong các hang động Ngũ Hành đầy bóng tối mát rợi, có những dòng thạch nhũ như rơi từ trời cao và đông đặc, trông tuyệt đẹp.  Những tảng đá cổ thạch khổng lồ có vẻ muốn đổ xuống đầu người.  Một chiếc vú đá trong một hốc đá nhỏ không còn chảy nước.  Tương truyền ngày xưa có một vị hoàng tử triều đình đã tinh nghịch sờ vào chiếc vú đá, nên từ ấy dòng nước ngọt đã khô, thật đáng tiếc.  Một buổi tiệc diễn hành được tổ chức tại Tòa Thị Sảnh, và chiều hôm sau, đích thân ông Lê Tá, thị trưởng thành phố Đà Nẵng đã tiễn đưa chúng tôi đến tận bến phà của cảng Đà Nẵng, trong điệu nhạc quân hành.  Chúng tôi nối đuôi nhau, tay xách vali, túi xách, làm thành một đoàn dài, dần tiến xuống hầm tàu đang mở rộng như chờ đón.  Chiếc tàu Gascogne của Pháp là phương tiện chuyển vận của chúng tôi bằng đường biển vào Nam.  Mỗi sinh viên sĩ quan được phân phối cho một chỗ nằm chật hẹp trong hầm tàu.  Khi nằm ngửa, nhìn lên trần hầm chỉ cách mặt tôi khoảng nửa mét, có vài lỗ thông hơi nhỏ, không khí lùa vào đỡ ngột và mang lại gió mát của đại dương.  Được chạm khắc ngay ở trần hầm là những dòng chữ: "Kỷ niệm ngày bị đày vào Côn Đảo, 192...", trên chỗ nằm nào cũng có câu này.  Trời! Người ta nhốt chúng tôi vào tầng hầm mà mấy chục năm xưa, Pháp chở những tù chính trị bị đày đi Côn Đảo.  Họ xem chúng tôi như những kẻ tù đày chăng? Nghe nói khóa 1, các anh động viên ở Nam Định vào bằng đường biển, Pháp cho họ ở tầng trên, và có thể vào câu lạc bộ sĩ quan để giải khát, đọc báo, đúng tư cách một sinh viên sĩ quan.  Có lẽ sau vụ khóa 2, nên tụi Pháp sợ chăng?  Mấy ngày sống trên tàu thủy, chúng tôi cắt phiên nhau mỗi lần mấy người đi lãnh cơm và thức ăn, nước uống, có tráng miệng dưa hấu đỏ.  Gà mèn đựng cơm và thức ăn, ca uống nước được lãnh trước.  Không có muỗng, nĩa, đũa.  Tôi quên đem những thứ đó, nên hôm đầu tiên phải dùng cái chausse-pied mới để làm muỗng đưa cơm.  Hôm sau, được nhà bếp cho mượn muỗng, nĩa.  Họchỉ cho chúng tôi mỗi ngày lên boong tàu một lần để hứng gió mát và tắm nắng, vào buổi sáng hoặc buổi chiều.  Lần đầu tiên tôi đi đường biển, tuy biết là gần bờ biển miền Nam, nhưng xa tít mù khơi, không nhìn thấy được.  Thỉnh thoảng được nhìn thấy một chiếc tàu buôn lớn, hoặc một chiến hạm, xã khói lướt nhanh ngoài khơi.  Một vài chú cá voi nổi lên mặt biển, phun nước, như để chào mừng chúng tôi.
    
    Ba ngày hai đêm trên mặt biển rồi cũng sắp qua thôi.  Tàu Gascogne tiến dần vào bờ biển Nam Bộ, trước ngày lên bờ một hôm, một sự kiện xảy ra, đã gây bất mãn cho tất cả chúng tôi, trước hành động của bộ chỉ huy tàu.  Vì sau hai ngày đi đường, với những bữa ăn, sinh hoạt tập thể của đội ngũ.  Đáng lẽ công việc làm sạch sẽ nơi này phải do những lao công của nhà bếp.  Nhưng họ lại bắt chúng tôi phải quét dọn lau rửa, khu này trước khi lên bờ.  Bị chúng tôi cự nự, viên quản bếp gây gổ: "Các anh phải làm sạch sẽ mới được đi.  Trước khi trở thành sĩ quan, các anh phải là người lính đã".  Đành rằng việc làm sạch sẽ khu hầm tàu này không khó khăn đối với tuổi trẻ của chúng tôi lúc bấy giờ, và sau này vào quân trường chúng tôi còn phải lao động, thao dượt đổ nhiều mồ hôi, nhưng việc đối xử kém văn hóa của bộ tham mưu người Pháp tàu Gascogne từ mấy hôm nay đã dấy lên sự công phẫn trong hàng ngũ chúng tôi, Chúng tôi cương quyết từ chối.  Vì uy tín của quân đội, vì danh dự của người Việt Nam.  Thấy không lay chuyển được, bọn họ ra lệnh cấm chúng tôi lên boong tàu hứng mát như mọi ngày.  Mặc kệ, chúng tôi quyết định làm reo.  Muốn ra sao thì ra.  Cuối cùng hai sĩ quan Việt Nam, người lớn cấp nhất là trung úy, những hướng dẫn viên của chúng tôi từ Huế vào Nam, phải đứng ra dàn xếp, ban chỉ huy tàu mới đồng ý cho chúng tôi lên boong, và xếp việc làm sạch sẽ hầm tàu.  Chúng tôi thắng được bước đầu.  "Uy vũ bất năng khuất".  Sáng hôm sau, khoảng mười giờ, chiếc tàu Gascogne từ từ tiến vào Vũng Tàu và đi theo sông Lòng Tảo, hai bên mọc toàn cây đước và dừa xanh để lên hướng cảng Sài Gòn.  Thành phố Sài Gòn, thủ đô của miền Nam hiện ra xa xa trong nắng mai.  Hòn ngọc Viễn Đông đẹp thật, nhất là đối với một người từ trước đến giờ chỉ biết có Huế và loanh quanh một vài thành phố nhỏ ở miền Trung.  Có một lần tôi ra Hà Nội tu nghiệp ngành văn khố và thư viện sáu tháng, nhưng Hà Nội cổ kính với ba mươi sáu phố phường chật hẹp quá.  Đứng trên boong tàu, tôi nhìn về phía Sài Gòn.  Nhiều cao ốc lộng lẫy dựng sừng sững nơi đường chân trời, chói chang dưới nắng mai.  Tôi không biết đâu vào đâu cả.  Lòng tôi bồi hồi xúc động trước cảnh vật đổi thay.  Mới đầu tuần còn ở Huế, nay đã vào đến miền Nam xa lạ - ở Sài Gòn tôi không quen biết ai cả, trừ Phiên và Đạt, là những người bạn công chức cũ của tôi tại Tòa Ủy Viên Cộng Hòa Pháp.  Phiên đã vào Sài Gòn được bốn năm nay và mới thi đậu tham sự một lần với tôi.  Phiên đậu thủ khoa tham sự ấy, và hiện nay làm Phủ Cao Ủy Pháp.  Gia đình Phiên ở đường Vassoigne (sau này là Trần Văn Thạch), vùng Tân Định.  Đạt làm thư ký đánh máy, cũng được đổi vào Nam trước Phiên.  Đó là hai địa chỉ bạn khá thân quen mà tôi có thể đến chơi sau này, khi nào cuối tuần, được phép về Sài Gòn nghỉ.  Giờ thì nỗi nhớ nhà đang dâng lên trong lòng tôi.  Làm sao vợ tôi sinh sống khi tôi bị động viên nhập ngũ.  Liệu tòa Tỉnh Thừa Thiên, cơ quan cuối cùng tôi phục vụ có trả lương sai biệt cho vợ tôi ở Huế không? Không muốn đổi vào Sài Gòn làm việc thì nay cũng phải vào Sài Gòn đi lính.  Miên man suy nghĩ, tàu cập bến lúc nào không hay.  Một đoàn quân xa mấy chiếc đến đón chúng tôi tại Bến Bạch Đằng.  Các sinh viên sĩ quan mang hành lý xuống tàu.  Mệt mỏi sau một cuộc hành trình dài trên biển.  Nghe nói các anh ở miền Bắc cũng đã lên tàu thủy đi từ cảng Hải Phòng để vào Nam.  Ban đón tiếp leo lên các chiếc xe Jeep chạy đầu, hướng dẫn chúng tôi về một nơi nào đó để nghỉ ngơi và ăn trưa.  Tôi không rõ chỗ nào, chỉ biết đó là một quán ăn bên đường, đầy cây cao bóng mát.  Sau này nhớ lại, có lẽ là khu vực Hàng Xanh.
 
3-

Chiều hôm ấy, đoàn quân xa lại chở chúng tôi đến quân trường Thủ Đức, nằm trên đồi Tăng Nhơn Phú, sau khi chạy ngoằn ngoèo, theo một con đường nhỏ hẹp, rồi đến một đoạn thẳng tắp, có cột pylone cao thế, dựng cao vút trên ngọn đồi thưa cây.  Tấm biển lớn treo trước cổng bằng tiếng Pháp cho biết đó là Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.  Đoàn quân xa dừng lại tại một quảng trường rộng lớn, rải nhựa, phất phơ lá quốc kỳ Việt Nam trên ngọn.  Xung quanh quảng trường, một bên là các ngôi nhà xây theo kiểu biệt thự - chắc nhà các sĩ quan cán bộ và gia đình.  Còn bên kia sâu vào phía trong là những dãy nhà trệt vách trắng, mái ngói đã cũ, phủ rêu và một số lợp ngói đỏ tươi, chắc mới xây.  Các sĩ quan cán bộ của quân trường ra tận sân cờ tiếp nhận chúng tôi.  Sinh viên được xếp tạm vào từng đội ngũ khoảng ba chục người, được sĩ quan cán bộ hướng dẫn đưa về các dãy nhà trệt.  Đó là trại sinh viên.  Về đó để lãnh phần ăn chiều và tạm nghỉ qua đêm.  Đêm đầu tiên tôi nằm ngủ trên một chiếc giường bố xếp nhà binh, song song với giường anh Lê Văn Đệ, mà tôi tưởng là được ở gần anh trong thời gian khóa học.  Một giấc ngủ ngon lành sau những đêm mỏi mệt, ngộp thở ở hầm tàu.
    Sáng hôm sau chúng tôi được lệnh đi lãnh quân trang quân phục.  Nơi lãnh là một chiếc lều vải dài của nhà binh Pháp.  Mỗi người được lãnh hai bộ quân phục tác chiến màu xanh cỏ, hai bộ quân phục ngắn gồm quần đùi áo sơ mi cụt tay, hai bộ kaki vàng dài tay, hai đôi giày trận da cứng ngắt, một đôi dày da đỏ thấp cổ.  Rồi nào là mũ nồi, mũ sắt, mũ nhựa, mũ rộng vành, nịt da, tất lính, bi đông đựng nước, gà mèn, ca uống nước, vải lều xanh sac kaki vàng đeo vai, áo mưa lính cũng màu xanh, ngoài lớp vải trong lót cao su.  Tất cả đều được cho vào một chiếc sac marin lớn, trừ bộ quân phục ngắn phải mặc ngay trước khi ra khỏi lều lãnh quân trang.  Chiếc áo sơ mi trắng và quân dân sự được nhét vào túi vải mới lãnh.  Một ý nghĩ ngộ nghĩnh nảy ra trong trí tôi: "khi bước vào lều còn là dân sự, khi ra khỏi lều đã là một quân nhân".  Toàn màu xanh cỏ, gọi là xanh cứt ngựa, toàn trại.  Tất cả sinh viên sáng nay lố nhố với màu sắc dân sự áo này quần nọ, bây giờ đều biến thành một màu xanh cỏ, màu xanh của lính.  Xếp bút nghiêng từ đây - giã từ cuộc sống công chức, "sáng vác ô đi, tối vác về".  Sau đó chúng tôi lại lần lượt bước qua một lều vải khác để nhận lệnh phân phối về các binh chủng, ngành thụ huấn.  Tôi mạnh dạn trong sự rụt rè, vén bức màn vải cửa chiếc lều nhỏ (tente murale) để vào trình diện ủy ban phân phối, khi có lệnh gọi và một anh bạn khác vào trước tôi vừa bước ra.  Trước mặt tôi, một chiếc bàn giấy nhỏ, kê đối diện với cửa lều.  Sau bàn giấy, một sĩ quan Pháp cấp đại úy, người to lớn, bệ vệ đang ngồi trên một chiếc ghế, ngước mặt nhìn tôi.  Hai bên viên đại úy là hai sĩ quan người Pháp khác, cấp Trung úy.  Tất cả đều nhìn tôi như để xem mặt bắt hình dong.  Tôi cố trấn tĩnh, đưa cánh tay phải lên chào nghiêm túc, đồng thời chân phải đập mạnh vào gót giày bên trái nghe một tiếng đốp thật kêu.  Động tác này tôi đã được các sĩ quan cán bộ người Việt hướng dẫn cho các sinh viên sáng hôm nay.  Miệng hô to bằng tiếng Pháp: "E.O.R. Nguyễn Đức... số quân... trình diện ủy ban".  Quyết định của Ủy ban chỉ trong giây phút.  Họ đã xem kỷ hồ sơ tôi trước rồi.  Nay chỉ còn phần trình diện với quân phục, tác phong bên ngoài. "5e Division, Artillery" (Đại Đội 5, Pháo Binh).  Do miệng viên trung úy ngồi bên phải người chủ tịch thốt ra.  Tôi nhớ thoáng một khuôn mặt quá dài như anh hề Fernandel với bộ râu mép, chiếc mũ nồi vàng, dải xanh đỏ của quân trường, cặp lon trung úy nỉ đỏ đeo ở cầu vai.  Đôi mắt sáng quắt, mở to, mũi hếch lên như dò xét tâm hồn tôi.  Sau này tôi mới biết đó là trung úy Ladonne, sĩ quan pháo binh, và là trung đội trưởng của chúng tôi.  Bước ra khỏi lều họp, tôi hỏi các bạn khác đứng quanh đấy vì tôi không rõ tôi được phân phối cho ngành nào.  Là công chức, tôi đâu đã hiểu các thuật ngữ quân sự.  Có tiếng trả lời: "Ồ ngành đó sướng lắm - Đứng sau bắn tới không hè! Không sợ chết".  Một anh khác thêm vào: "chỉ có học là vất vả thôi.  Đi không thấy mặt gà, về nhà không thấy mặt chó" (Ý nói đi quá sớm, gà chưa ra chuồng, về quá trễ, chó đã di ngủ).  Một số anh khác đi các ngành ABC (thiết giáp), Train ( quân vận), Transmission (truyền tin), Matériel (quân cụ).  Đó là những binh chủng chuyên môn trong khóa 3 chúng tôi.  Còn đại đa số sinh viên sĩ quan đều được phân phối theo ngành Bộ Binh (Infantry), trong đó có các anh Phạm Đình Chi, người bạn lối xóm, và Lê Văn Đệ, đồng nghiệp công chức toà tỉnh Thừa Thiên.

4

Đeo ba lô lên vai, tôi theo các bạn cùng ngành về hai dãy trại mới làm, ngói còn đỏ tươi, xây ở cuối quân trường, dành cho sinh viên sĩ quan học các binh chủng chuyên môn.  Ngành pháo binh chúng tôi được xử dụng hai căn phòng giữa, hai phòng bên cạnh là thiết giáp, một bên kia nữa là quân vận.  Hai đầu, một bên là dãy nhà vệ sinh, bên kia là buồng tắm hoa sen.  Trại kế cận thuộc truyền tin, quân cụ, cũng tổ chức y hệt như trại chúng tôi.  Tôi vào phòng đầu pháo binh, đặt ba lô trên chiếc giường thứ hai từ ngoài đếm vào để chiếm chỗ.  Căn phòng rộng khoảng 6 mét x 6 mét.  Hai đầu có hai cửa ra vào.  Mỗi bên kê bốn chiếc giường cá nhân bằng gỗ, hai tầng, trên một người, dưới một người.  Tôi nằm ở tầng dưới, nghĩ mình lớn tuổi.  Tôi bị động viên năm ấy vừa tròn ba mươi tuổi, một anh lính già mới tò te.  Trung đội sinh viên sĩ quan pháo binh có ba mươi sáu anh, chia nhau ra nằm mỗi phòng mười tám người. Thế mà cũng có vài anh khác đồng tuế, hoặc hơn tôi một hay hai tuổi.  Như Bùi Thúc Duyên, Đặng Chiêu Tài, có nốt ruồi nơi má.  Trẻ nhất có lẽ là anh Lê Văn Nghị, người Huế, đang học trung học đã bị động viên.  Phần lớn là công tư chức, giáo viên tiểu học, giáo sư trung học.  Học hết giai đoạn 1 (hai tháng), Nghị được chuyển sang bộ binh có lẽ vì yếu sinh ngữ.  Thời ấy toàn học tiếng Pháp tại các quân trường.  Sau này, trong cuộc đời quân ngũ, Nghị đã thăng đến cấp trung tá, thuộc Phòng 2, Bộ Tổng Tham Mưu.  Mập nhất trung đội là anh Phạm Văn Mân, người Nam, đang học năm thứ nhất Luật khoa Sài Gòn.  Anh Nghị chọn ở trong nhóm (trinôme) của anh Mân và một anh nữa để được học kèm, có anh Mân giúp đỡ.  Học nhóm là một phương thức học tập, do Trung úy Ladonne, trung đội trưởng của chúng tôi đặt ra, gồm có các anh Nguyễn Văn Vinh, tư chức, người Huế, và Ngô Văn Điện, giáo viên người Nam.  Họ cho là tôi giỏi hơn nên bầu tôi làm trưởng nhóm, tôi có từ chối cũng không được.  Học nhóm có lợi là gây óc cầu tiến.  Vinh nằm tầng trên giường tôi, Điện nằm giường bên cạnh.  Điện hiền khô, tóc hơi quăn, mắt tròn xoe như mắt mèo, lúc nào cũng vui vẻ, cười cười.  Vinh hay pha trò, hơi tếu.  Tầng trên giường của Điện là Chương Văn Nam, mặt đen, đầu húi ngắn như một võ sĩ quyền Anh.  Nam cũng là giáo viên.  Tại các giường khác trong phòng, nếu tôi không lầm, có các anh Chung Văn Xôm, mặt nghếch nghếch, biết đàn vọng cổ, người Nam, tư chức, Trần Hùng Riệu, người Bắc, kiểm soát viên quan thuế, hóm hỉnh, Lê Tất Hào, nhỏ người, với cặp kính trắng, thích đấu lý, Nguyễn Tiến Ích, nghiêm trang, cận thị, ít nói... Hai anh Hào và Ích lúc ấy đều là sinh viên.  Sau này giải ngũ, Hào làm luật sư, và qua Mỹ lúc nào không biết, đã đỗ tiến sĩ luật khoa Hoa Kỳ, hành nghề ở quận Cam, miền Nam Cali.  Ích sau đó, được chuyển sang Hải Quân, vì anh đậu cử nhân toán.  Có một dạo khi tôi làm ở ngành Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu, tôi có đề cử anh lên làm giáo sư Toán ở trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, cùng với anh Nguyễn Phụng, một sĩ quan Hải Quân khác.  Anh Ích ngày ấy, tôi phục anh rất thông minh.  Vừa qua, đọc báo, tôi được biết hiện anh cũng đang ở Hoa Kỳ.  Các anh Mân, Riêu, Ích, Hào là những sinh viên sĩ quan giỏi của khóa tôi, ngành pháo binh.  Còn một anh nữa cũng xuất sắc, anh Bùi Hữu Khiêm, người Nam, sinh viên đại học. Khiêm, người nhỏ nhắn, khiêm nhường, mũi rất thẳng, điềm đạm, ít nói và học rất có phương pháp.  Các môn pháo binh khá khó, cần phải có khiếu toán học.  Khiêm không cày, không gạo như một số các anh khác, anh chỉ cần gạch xanh, gạch đỏ những đoạn nào cần thiết, và làm dàn bài ngắn gọn.  Nhưng kết quả thi viết môn tác xạ đại cương, thi bắn thực hành, anh điểm rất cao.  Nhờ anh có trí nhớ thị giác tốt.  Sau này chuyển sang học Luật, anh cũng học có vẻ tài tử nhưng đậu cử nhân lúc nào không hay.  Đại úy Vìgnon, trưởng ban Pháo Binh, người Pháp, một sĩ quan pháo binh rất thông minh và tài ba sau cặp kính trắng, lúc gần mãn khóa đứng trò chuyện với chúng tôi, thường quơ quơ cây gậy chỉ huy của ông ta và chỉ vào mỗi người chúng tôi, những sinh viên xem như sắp có điểm ra trường cao nhất.  Bắt đầu là anh Mân, ông nói: "Anh có thể thủ khoa".  Rồi chỉ anh khác nói tiếp: "Anh cũng có thể là thủ khoa".  Rồi anh khác nữa: "Anh cũng có thể thủ khoa".  Chỉ liên tiếp vào bốn, năm người.  Ý ông ta muốn nói: "Ăn thua là ở Code d'amour mà tôi cho điểm các anh". Đó là một số điểm do quyền chuyên quyết của các sĩ quan huấn luyện viên trưởng ngành ở các quân trường.  Số điểm từ 0 đến 20 tối đa.  Chúng tôi dịch đùa với nhau: "Điểm ái tình".  Tưỏng đại úy Vignon nói đùa, hóa ra là sự thật.  Ngày mãn khóa, anh Phạm Văn Mân đậu thủ khoa, không chỉ của ngành pháo binh 36 người, mà còn là thủ khoa của toàn thể khóa 3, gồm khoảng bảy trăm tân khoa.  Anh Mân đậu thủ khoa, kể cũng rất xứng đáng.  Người anh thể lực khỏe, tính nết điềm đạm, học giỏi, bắn hay, địa hình, truyền tin, quân xa, môn nào anh cũng đều giỏi.  Can đảm, tháo vát, rất tuân kỷ luật quân đội, giúp đỡ anh em đồng khóa.  Anh Mân đậu thủ khoa là niềm hãnh diện cho ngành pháo binh chúng tôi, như đại úy Vignon thường đề cao binh chủng: "đó là một binh chủng thông thái".  Trong cuộc đời quân ngũ, anh Mân cũng đã nhiều lần chứng tỏ tài của anh qua các khóa quân sự mà anh đều đậu thủ khoa, và những chức vụ quan trọng anh nắm giữ.  Từ chức tham mưu trưởng Tổng Cục Tiếp Vận mà trong khi đang du học khóa Chỉ Huy Tham mưu Cao Cấp (Leavenworth) tại Hoa Kỳ anh được gọi về nước gấp để nhận lãnh, rồi tỉnh trưởng An Giang trong mấy năm, cuối cùng Mân được điều về làm phụ tá Tổng Ủy Công Vụ bên dân sự, ngang hàng thứ trưởng.  Nhưng tiếc thay, nay đã là người thiên cổ.  Được di tản qua Mỹ sau ngày mất nước, thời gian ở Mỹ anh đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi.  Người thứ nhì trong binh chủng pháo binh khi mãn khóa là anh Trần Hùng Riệu.  Sau này anh giải ngũ, trở về lại với ngành quan thuế.  Không biết bây giờ anh ở đâu?  Người thứ ba là anh Nguyễn Tiến Ích trên đây.  Người thứ năm là anh Bùi Hữu Khiêm, người thứ sáu là anh Lê Tất Hào.  Tôi được xếp hạng tư trong binh chủng.  Đó là một sự may mắn, do sự cố gắng của bản thân.  Tôi thích toán lúc còn đi học, nên khi được chọn vào ngành pháo, tôi dễ thích ứng trong việc tính toán với chiếc quạt độ giạt thời Pháp trên xa bàn cũng như các buổi thực tập tác xạ.  Chứ thể lực tôi yếu, lớn tuổi, thuận tay trái, nên tôi gặp rất nhiều trở ngại khi leo trèo, chạy nhảy trên đoạn đường chiến sĩ, khi tập ném lựu đạn, khi bắn bia ở xạ trường.  Với kết quả mãn khóa, tôi cũng có phần nào tự hào, xem như đại diện cho bảy sinh viên sĩ quan miền Trung, mang chuông đi đánh nước người, tôi không phải hổ thẹn vì màu cờ sắc áo.  Vì trong sáu anh xếp hạng cao nhất ngành pháo thủ, chỉ mình tôi là người miền Trung.  Hầu hết ba mươi sáu sinh viên sĩ quan thuộc trung đội pháo binh đều ra trường với cấp bậc thiếu úy.  Chỉ có vài người đậu chuẩn úy - Một người phải mang cấp Trung Sĩ, anh Nguyễn Mộng Hùng.  Tính anh hơi bướng, hay cãi lại với đại úy Vignon sao đó, mà ông này nóng tính.  Nhưng sau này, khi giải ngũ ra đời, anh lại rất thành công, vì anh này có khoa ăn nói, lợi thế trong việc xã giao.  Trung đội chúng tôi chỉ có một anh tử trận.  Anh Phạm Vĩnh Hưng, người Bắc, rất hiền lành, ngoan nết.  Anh vĩnh viễn ra đi khi chưa có hiệp định Genève chia đôi đất nuớc, trong một cuộc hành quân tại miền Bắc mà anh là sĩ quan tiền sát pháo binh, yểm trợ cho một đơn vị bộ binh.  Các anh khác hoặc đã giải ngũ trở về đời sống dân sự, hoặc chuyển sang quân chủng, binh chủng hay binh sở khác... như Quân Nhu, Quân Pháp, Hải Quân, Không Quân hoặc Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Quốc Phòng.  Những anh còn nặng nợ Pháo Binh hoặc yêu khẩu thần công Howitzer 105, 155 bắn xa, bắn mạnh, "artilleur fait mouche à chaque coup", bách phát bách trúng, nghĩa đen và nghĩa bóng, đến ngày gần sập tiệm đều đã nở hoa mai bạc trên cổ áo.  Có một số anh đã đi thoát được vào ngày ba mươi tháng 4, nay đang ở Hoa Kỳ, thành công trong cuộc sống.  Những anh chậm chân, không có phương tiện, hoặc vì kỷ luật quân đội "người lính chưa hàng mà thành phố đã tiêu tan"(1), đều phải bị trả giá đắt cho mười ba năm lao lý trong ngục tù cộng sản.  Anh Bùi Hữu Khiêm và tôi đều cùng chung một số phận.  Các trại Long Giao, Suối Máu, Yên Báy, Nam Hà, Xuân Lộc, là nơi mà chúng tôi đã nếm mùi gian khổ, lao động cực nhọc, trong đói ăn, thiếu mặc, xa tất cả những tình thương, không hy vọng có ngày về.  Thời gian trong các trại cải tạo từ trong Nam ra đến ngoài Bắc, rồi lại trở về miền Nam, tôi đã gặp nhiều bạn đồng khóa, tuy không cùng binh chủng, nhưng đều chung một kỷ niệm.  Đó là ngày trình diện nhập ngũ, bỡ ngỡ khi đến quân trường, và nỗi vui mừng sung sướng của ngày mãn khóa.  Sau gần bảy tháng trên các thao trường, với bao nhiêu mồ hôi, nhưng rèn luyện cho mình được nhiều thứ, từ thể xác đến tâm hồn.  Bắp thịt rắn rỏi, màu da rám nắng, tinh thần cương nghị.  Nhìn chiếc ảnh tôi chụp ngày mãn khóa, trong bộ quân phục treillis màu xanh cỏ thẩm, chiếc mũ sắt đội trên đầu không còn thấy nặng, khẩu súng Garant M1 đeo sau vai từ nay là "người yêu của lính", tôi không nhận ra là tôi nữa, trước đây mấy tháng, một viên chức ở tỉnh Thừa Thiên.  Nay tôi là một thiếu úy tân khoa, vàng chói trên cầu vai cấp bậc thiếu úy mới mua.  Tôi là một sĩ quan của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đường binh nghiệp là con đường từ nay tôi phải theo, tuy tôi không chọn, nhưng cảm thấy thích thú, vì một cái gì đã đổi mới trong tôi.  Vợ con tôi ở Huế đang mong đợi ngày tôi về chậm đến, vì tôi còn phải thực tập hai tháng pháo binh tại Trung Tâm Huấn Luyện Pháo Binh Phú Lợi, thuộc tỉnh Thủ Dầu Một.  Các sĩ quan bộ binh sẽ về trước tôi để ra đơn vị hoặc nhận công tác tham mưu.  Tôi còn được huấn luyện thêm hai tháng nữa về chuyên môn.  Đêm nay, toàn thể sĩ quan tân khoa khóa 3 chúng tôi được các nhà Mạnh Thường Quân ở Sài Gòn mời dự tiệc, chia làm nhiều địa điểm.  Trong bộ lễ phục kaki vàng bốn túi mới may ngày sắp mãn khóa, chiếc mũ cát-két lưỡi trai cầm tay, chúng tôi bước vào những nhà hàng sang trọng của Sài Gòn đang chờ chúng tôi đến dự tiệc.  Đêm nay, trong bầu không khí mát dịu của Sài Gòn hoa lệ, gần bảy trăm sĩ quan tân khoa được họp mặt nhau ở các nhà hàng, hoặc các tư gia sang trọng, để rồi ngày mai họ sẽ lên đường ra Bắc, hoặc về miền Trung, lên Tây Nguyên, hoặc xuống miền Tây.  Tình đồng khóa của chúng tôi bắt đầu từ đấy.
(1) trích một bài hát do anh em hát trong tù

5- Sau ngày mãn khóa, được nghỉ phép hai tuần lễ để trở về thăm gia đình, ai nấy đều lên đường đi đơn vị bộ binh hay binh chủng, theo các vùng chiến thuật đã chọn sau khi có kết quả kỳ thi mãn khóa, tùy theo thứ tự cao thấp được xếp hạng.  Hồi ấy, cuối năm 1953 - đất nước chưa bị chia cắt.  Bốn vùng chiến thuật, hay đúng ra theo danh từ quân sự lúc bấy giờ là bốn quân khu.  Miền Bắc, Quân khu 3 là nơi cuộc chiến tranh quốc cộng đang diễn ra một cách ác liệt nhất.  Quân đội Pháp đã tạo ra trận Điện Biên Phủ để thu hút quân cộng sản về đấy hòng tiêu diệt, rảnh tay cho họ bình định vùng lưu vực sông Hồng.  Còn Việt cộng cũng tương kế tựu kế, dồn tất cả lực lượng để vây hãm Điện Biên Phủ, cầm chân quân đội Pháp, khiến Pháp không còn nhiều lực lượng để ứng cứu các trận đánh ở đồng bằng.  Quân lực Việt Nam Cộng Hòa lúc ấy mới thành lập, hãy còn non yếu với những tiểu đoàn khinh binh, lấy từ các lực lượng Bảo Vệ Quân ở Trung, Bảo Chính Đoàn miền Bắc, một số đơn vị giáo phái.  Các sĩ quan cán bộ đang được đào tạo gấp rút tại trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và qua các khóa 1, khóa 2 và khóa 3 Thủ Đức như chúng tôi.  Do đó, khi mãn khóa, ít ai muốn chọn ra Quân khu 3, trừ những anh quê quán vùng Hà Nội, hoặc xếp hạng thấp, không có quyền chọn chỗ.  Quân khu 2 thuộc miền Trung, Quân khu 4 thuộc vùng Tây Nguyên Đà Lạt, Pleiku, Ban Mê Thuột, tương đối ít có những trận chiến lớn, tuy cũng lắm hiểm nguy.  Chỉ có miền Nam là dễ chịu nhất, lực lượng quân Pháp ở đấy mạnh, nơi có thủ đô Sài Gòn cần phải bảo vệ, và Việt cộng lúc ấy chưa dám xâm nhập nhiều.  Quân khu 1 rất được nhiều tân sĩ quan Khóa 3 Thủ Đức chọn để phục vụ, nhất là các anh quê quán ở miền Nam.  Vì xếp hạng thứ tư trong binh chủng và cũng đậu khá cao trong số năm mươi người đầu toàn khóa, đáng lẽ ra tôi được phục vụ tại một đơn vị pháo binh thuộc Quân khu 1 ở miền Nam.  Tôi đã chọn Quân khu 1 rồi.  Nhưng một bạn đồng khóa pháo binh, anh Huỳnh Hữu Lân, người Nam, phải chọn ra miền Trung, nơi anh không có gia đình.  Lân đề nghị tôi đổi phương vị cho anh, để Lân vào Nam, tôi ra Huế.  Sau một hồi suy nghĩ, cân nhắc tình cảm gia đình, bạn hữu, tôi thuận hoán đổi phương vị với Lân, anh vào Quân Khu 1, tôi về Quân Khu 2, tại Huế.  Dù sao ở Huế, tôi còn cò vợ con tôi, đang sống nương náu ở gia đình nhà vợ.  Dù tôi có theo đơn vị, cũng không đến nỗi quá xa nhà.  Tâm tư một người công chức vẫn còn tiềm ẩn trong tôi.

    Sau hai tuần nghỉ phép mãn khóa, các sĩ quan khóa 3 chúng tôi đều đi trình diện đơn vị, trên khắp các nẻo đường đất nước.  Sĩ quan bộ binh được phân phối cho các đơn vị bộ binh, còn những người thuộc các binh chủng chuyên môn như chúng tôi, phải đi theo các binh chủng đã thụ huấn ở quân trường.
    Trong quá trình binh nghiệp, các sĩ quan khóa 3 được thuyên chuyển đến nhiều nơi, bổ nhiệm vào các chức vụ khác nhau, người được giữ lại ở các bộ tham mưu quân khu, quân đoàn, sư đoàn, các bộ chỉ huy quân trường, binh chủng, người phải đi đơn vị chiến đấu, hành quân quanh năm suốt tháng.  Mỗi người số phận như đã an bài.  Với thời gian, cấp bậc càng cao, họ được giữ những chức vụ quan trọng hơn trong quân đội.  Có người được thuyên chuyển vào Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Quốc Phòng hoặc các Nha Sở Trung ương.  Có người được chuyển ngành, thay đổi binh chủng, quân chủng, chuyển vùng chiến thuật.  Có anh vươn cao hơn, được giữ một nhiệm vụ quan trọng ở Phủ Đầu Rồng.  Các anh Huỳnh Minh Quang, Phạm Duy Thân, Ngô Như Báu thích nghề lính tàu bay, nên xin chuyển sang Không Quân, tuy để giữ những nhiệm vụ dưới đất.  Nhiều anh học thêm, đậu được những bằng cấp dân sự, để có một tương lai sáng lạng hơn.  Anh Phạm Đổ Thành, giám đốc nha Hành Chánh thuộc Tổng Nha Hành Ngân kế Bộ Quốc Phòng giật được mảnh bằng cao học luật khoa, sau đó ứng cử nghị sĩ quốc hội.  Anh Nguyễn Trọng Liệu, thuộc Quân Cụ, đeo đuổi ngành luật học, lấy được cao học để chuyển sang Quân Pháp.  Nay anh đã là tiến sĩ luật khoa Hoa Kỳ.  Sau bao năm, tôi gặp lại anh ở quận Cam, anh không già đi tí nào, vẫn cái đầu tròn thưa tóc, đôi kính cận thị nặng, tính tình vui vẻ, xuề xòa.  Nói chung, các sĩ quan khóa 3 Thủ Đức phần nhiều lớn tuổi, nhiều người là công chức, dạy học trước khi vào quân đội, nên mang theo tác phong công bộc, nhà giáo vào cuộc đời quân ngũ của mỗi người.  Có người được biệt phái sang các ngành Dân sự, Giáo dục, Xây Dựng Nông thôn, Bưu Điện Viễn Thông... Một số anh được tổng thống bổ nhiệm để giữ các chức vụ tỉnh trưởng: Phạm Đình Chi, Phú Bổn; Huỳnh Ngọc Diệp, Phong Dinh (Cần Thơ), trước đó anh là tỉnh trưởng Sa Đéc, Nguyễn Ngọc Diệp, Gò Công; Phạm Văn Mân, Long Xuyên.  Sau đó Mân được bổ nhiệm về Phủ Tổng Ủy Công Vụ.  Thật ra, các sĩ quan trừ bị khóa 3 đã được đào tạo một cách có hệ thống khi còn ở dân sự, họ có nhiều kinh nghiệm hành chánh, dạy học, họ lớn tuổi, đứng đắn, đàng hoàng, nên rất đắc lực nếu làm phụ tá cho các vị tư lệnh, tổng cục trưởng, tổng giám đốc.  Và khi được giao cho những chức vụ chỉ huy, họ có nhiều sáng kiến, tinh thần phục vụ cao.  Anh Trần Văn Thăng hiền lành, tốt bụng, đã từng làm Cục trưởng An Ninh Quân Đội, rất có uy tín một thời.  Anh Nguyễn Kỳ Nguyện đã làm chánh văn phòng Đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng những năm cuối cùng của chế độ.  Khóa 3 Thủ Đức có thể nói là một khối thuần nhất trong quân đội, cần cù, kỷ luật và năng xuất cao.  Một số anh đã giải ngũ sớm, cũng trở thành những luật sư giỏi: Trần Văn Thục, Lê Quý Đôn, Lê Tất Hào.  Về cấp bậc, sĩ quan trừ bị khóả không được thăng cấp nhanh chóng như các khóa 1, khóa 2 đàn anh, mà một số đông đã bước lên hàng tướng lãnh, hoặc như khóa 4 đi sau, có những ngôi sao mọc sớm.  Khóa 3 trừ bị thăng cấp chậm nhưng chắc, đến ngày quốc hận 30-4 phần đông đã được thăng cấp đại tá.  Cũng lấp lánh vài ngôi sao để góp mặt với đời.  Đó là hai anh Nguyễn Khoa Nam và Huỳnh Văn Lạc.  Anh Nguyễn Khoa Nam nguyên là công chức trước khi nhập ngũ, anh làm việc ở Ty Ngân Khố Huế, trong những năm tôi tùng sự tại tòa Khâm Sứ Pháp.  Tôi không quen biết anh nhiều lúc ấy.  Khi vào quân đội, anh chọn binh chủng Nhảy Dù.  Một công chức trẻ như anh hồi đó, với cái bụng hơi phệ; đi lại không được nhanh nhẹn lắm, theo ký ức của tôi có về anh.  Do đó, tôi rất ngạc nhiên và kính phục anh khi tôi đổi vào Sài Gòn, được biết anh thuộc binh chủng Nhảy dù, và sau đó làm đến Lữ Đoàn trưởng thuộc Sư đoàn Dù.  Ngày anh được Tổng thống bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư đoàn 7 ở Mỹ Tho, anh có ghé thăm tôi tại Phòng Tổng Quản Trị và để xin tôi một số sĩ quan cấp tá để làm cán bộ nòng cốt tại Sư Đoàn này. Lúc ấy anh còn mang cấp bậc Đại tá.  Vì tình đồng khóa, và là quê miền Trung; anh là người Huế, thuộc một trong bốn gia đình vọng tộc ở cố đô, Nguyễn Khoa, Hồ Đắc, Thân Trọng, Trần Thanh và cũng nguyên là công chức, tôi đã tận tình giúp đỡ anh.  Tôi đưa anh vào xem phiếu tiểu sử của một số sĩ quan cấp tá mà tôi đánh giá tốt theo con mắt của một người đã lâu năm trong ngành quản trị nhân viên.  Anh Nam đến với tôi cũng do lòng tín nhiệm lẫn nhau và tin tưởng ở tôi, một người bạn đồng khóa.  Liên tưởng đến anh Phạm Đình Chi, cùng khóa 3, hiện ở Sư Đoàn 7, tôi nhắc tên anh Chi với anh Nam.  Chi lúc ấy không còn là tỉnh trưởng Phú Bổn nữa.  Nam không nói gì, và xem tiếp  các phiếu tiểu sử.  Nhưng sau này Nam vẫn giữ Chi ở chức vụ tham mưu trưởng Sư Đoàn 7.  Anh Nguyễn Khắc Thiệu, cũng khóa 3, làm chỉ huy trưởng Pháo Binh Sư Đoàn 7. Chuyện kể về tướng Nguyễn Khoa Nam rất nhiều, tuy không có tính huyền thoại như đối với Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân Đoàn IV/Quân Khu 4 trước anh, nhưng vẫn xoay quanh cung cách lãnh đạo Sư Đoàn của anh Nam, là lo cho lính, đi sát với lính... và nếp sống độc thân lâu đời của anh không lay chuyển.  Nhưng huyền thoại nhất là trong những năm tôi ở tù cộng sản, tôi vẫn được nghe nhiều tin tức về anh sau ngày cộng sản xâm chiếm miền Nam và nội các Dưong Văn Minh đầu hàng vô điều kiện.  Một vài bạn trẻ đồng tù, nguyên thuộc vùng 4 vẫn tin tưởng rằng tướng Nguyễn Khoa Nam chưa chết.  Tin đồn anh tự sát theo họ là không đúng.  Đó chỉ là tử thi của người quân nhân cận vệ của tướng Nam mà thôi.  Còn tướng Nam thật sự đã thoát ra khỏi vòng thành Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4, giả dạng người hành khất, sống lang thang, và đang tìm cách đi Mỹ.  Huyền thoại trên được nuôi dưỡng những năm chúng tôi bị cộng sản đưa vào Nam, nhốt tại Xuân Lộc.  Ngày sang Mỹ, được đọc một số báo cũ năm 1983 của bán Nguyệt san Đời, có bài viết của bà Phạm Thị Kim Hoàng, phu nhân cố tướng Lê Văn Hưng, người cùng tuẫn tiết với tướng Nam tại Cần Thơ năm 1975, mới biết huyền thoại trên đây chỉ là một điều bịa đặt.  Một tướng lãnh khác thuộc khóa 3, anh Huỳnh Văn Lạc, nguyên tu xuất bị động viên.  Anh Lạc người hiền lành, nụ cười dễ nở trên môi, càng hiền lành hơn sau khi đôi kính cận dày.  Nhưng cũng rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ trong công việc.  Ngày tôi phải thuyên chuyển về Quân Đoàn 4, đầu năm 1972, anh Lạc đang làm tham mưu trưởng Quân Đoàn.  Gặp anh tôi cũng mừng, nghĩ rằng mình đang sa cơ thất thế, gặp bạn đồng khóa, có thể giúp đỡ cho tôi phần nào trong công vụ lúc ban đầu.  Sau khi tôi được đổi về Sài Gòn trở lại, tôi được tin anh đi nắm một Sư Đoàn ở miền Tây.  Còn một anh nữa, được báo Đai Dân Tộc "lăng xê" đưa tin lên mặt báo vào cuối năm 1973 (cùng với 4 anh khác) là được phong tướng, nhưng sau đó chìm xuồng luôn.  Đó là anh Hoàng Đức Ninh, lúc ấy làm Tư Lệnh Biệt Khu 44 ở miền Tây.

Tình đồng khóa giữa các anh em khóa 3 Thủ Đức chúng tôi là như thế, bàn bạc trong suốt cuộc đời quân ngũ.  Không ai lợi dụng ai trong chức vụ, nhưng âm thầm nâng đỡ nhau, trong sự tin cậy lẫn nhau.  Để thể hiện tình thân tương ái này, vào khoảng thập niên 1960, một hội Ái Hữu Khóa 3 sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức đã được thành lập, do anh Trần Văn Thăng làm chủ tịch.  Thăng lúc ấy đang là Cục trưởng An Ninh Quân Đội, một chúc vụ mà những người khác khi nghe tên, đều có vẻ ớn, sợ nữa là đằng khác.  An Ninh Quân Đội với các cấp chỉ huy tiền nhiệm, là ngành mà quân nhân đều kính sợ.  Nhưng với cục trưởng Trần Văn Thăng thì khác.  Ngành này có vẻ cởi mở hơn.  Nhất là đối với chúng tôi khóa 3, có một người bạn đồng khóa, giữ một chức vụ then chốt như vậy, cảm thấy dễ chịu hẵn.  Hơn nữa dáng dấp của Thăng trông như một vị sư, hiền lành, hòa nhã, kín đáo, thâm trầm, chứ không có vẻ gì là hùng hổ, ta đây, như một người nào khác ở vào địa vị của anh.
    Thời ấy, thường mỗi năm, đến ngày 1 tháng tư - ngày nhập ngũ khóa 3 Thủ Đức - chúng tôi tổ chức gặp nhau, ăn uống, trò chuyện, và bàn bạc những công việc hội ái hữu.  Mượn hội trường Cục Công Binh ở Sài Gòn làm nơi hội họp.  Ngày làm trưởng phòng Tổng Quản Trị Bộ Tham Mưu, tôi đã nhiều lần tham dự buổi họp mặt này.  Sau khi anh Thăng thôi giữ chức vụ hội trưởng, anh Phạm Đổ Thành, thuộc ngành Hành Chánh Tài Chánh Bộ Quốc Phòng được anh em trong khóa bầu lên giữ chức vụ này.  Anh Thành được đắc cử vào Thượng Viện, khóa chúng tôi lại có một ái hữu tại tòa nhà lập pháp lúc bấy giờ.  Nếu khóa 1 Thủ Đức có nhiều tướng lãnh nhất trong quân đội, khóa 3 chúng tôi lại tỏa ra khắp nơi, nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, góp mặt ở nhiều lãnh vực, quân sự, chính trị, văn hóa, nghệ thuật, thương mại, kinh doanh.  Anh Nguyễn Kim Tuấn với bút hiệu Duy Lam là một nhà văn, một nhà thơ lớn, có tầm vóc quốc tế.  Anh Tạ Tỵ, một nhiếp ảnh gia nghệ thuật tài ba.  Anh Lưu Tấn Phát chủ tịch công ty bảo hiểm Met-Life ở quận Cam, miền Nam Cali.  Anh Lý Quốc Sinh, một nhà văn, nhà giáo, anh Tô Văn Đào, một luật sư.  Hai anh sau này đã bỏ mình trong ngục tù cộng sản.  Tình đồng khóa vẫn còn tiếp tục khi chúng tôi phải trải qua những ngày lao lý.  Lấy ngày 1 tháng 4 làm kỷ niệm, trong thời gian ở trại giam Xuân Lộc, khi chúng tôi được đưa về Nam năm 1983, mỗi năm đến ngày ấy, một số bạn đồng khóa 3 và đồng tù đã họp nhau để đánh dấu ngày nhập ngũ hơn ba mươi năm về trước.  Buổi họp mặt rất đơn giản: một chiếc chiếu hoa trải ở góc sân sau một dãy nhà tù trong trại, dùng làm mặt bàn, dưới những tàn mít cao cho bóng mát.  Trên mặt chiếu, nào kẹo bánh, cà phê, nước trà, do các anh em đồng khóa tự nguyện góp, trích trong số quà nhà, gia đình mang đến cho hàng tháng, mỗi lần thăm viếng thân nhân đang "cải tạo".  Bạn đồng khóa ở trại giam Xuân Lộc, ít thôi: các anh Nguyện (văn phòng Đại Tướng, Tổng Tham mưu Trưởng, Trần Văn Hoàng (Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham mưu), Nguyễn Khắc Thiệu, Nguyễn Văn Trân (Pháo Binh), Bùi Hữu Khiêm, Trần Tín, Lê Quang Thi, Võ Quốc Sử, Huỳnh Minh Quang, vài anh nữa và tôi.  Mỗi người một chiếc đòn ghế nhỏ, đi đâu cũng mang theo để ngồi, quây quần xung quanh chiếc chiếu, nhâm nhi kẹo bánh, trò chuyện râm ran, ôn lại những kỷ niệm ngày xưa, thời quân trường, thời quân ngũ, cười đùa chọc nhau tùy lúc, để mong quên phần nào cảnh "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại", không biết đến ngày nào mới được tự do.
    Tôi sang Hoa Kỳ gần hai năm, nhưng mới về cư ngụ tại Quận Cam miền Nam Cali được tám tháng nay.  Nhân đến dự tiệc cưới con gái một người bạn, tình cờ tôi gặp anh Nguyện Trọng Liệu. Tay bắt mặt mừng, tôi biết được anh Liệu hiện thời là Chủ tịch hội ái hữu Nguyễn Khoa Nam, lấy tên của vị anh hùng dân tộc, cố Trung tướng Nguyễn Khoa Nam, người bạn đồng khóa của chúng tôi, lòng tôi vô cùng xúc động và tự hào.  Hội đã quy tụ cho đến nay hơn một trăm ái hữu, hiện có mặt tại Hoa Kỳ, trên đất nước tạm dung, đa số đều sống ở miền Nam và miền Bắc Cali.  Một số anh sống rải rác ở các tiểu bang khác.  Phần lớn các anh đã may mắn ra đi vào những ngày miền Nam sụp đổ.  Sang đây, các anh đã thành công về nhiều mặt, bản thân, gia đình vợ con, đạt được danh vọng, tiền tài và hạnh phúc. Con cái các anh hầu hết đã thành tài, và có chỗ đứng vững vàng trong xã hội Mỹ, trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.  Những người mới qua sau này, theo diện HO, ODP, tuy đi sau các anh mười bảy, mười tám năm, nhưng khoảng cách xa vời, như gần một thế kỷ.  Một sự thua kém rõ rệt về nhiều mặt: thành công trong cuộc sống, ngôn ngữ, sự học hành của con cái, tương lai còn mờ mịt, tình cảm nhạt phai, hạnh phúc gia đình có người đã đổ vỡ.
Nhớ về khóa 3 là nhớ đến quân trường Thủ Đức, nơi mà bốn mươi mốt năm về trước, phần đông đã trên dưới ba mươi, gồm nhà giáo, công tư chức, sinh viên học sinh, đã có cuộc sống ổn định ngoài đời, thuộc khắp nẻo đường đất nước, nhưng đáp lời sông núi, đã đi trình diện nhập ngũ để trở thành sĩ quan trừ bị, góp phần vào việc bảo vệ tổ quốc quê hương.  Đa số đã trở thành sĩ quan, nhưng cũng có người kém may mắn, đã ra trường với cấp trung sĩ.  Cũng có anh còn xấu số hơn nữa, biết mình thi điểm kém, nên quẫn trí, vào buồng tắm, kê cầm vào họng súng Garant M1, tự sát một buổi chiều hè nọ, anh em vừa thi vấn đáp về, bỗng nghe tiếng súng nổ vang lên, kết liễu một cuộc đời.  Tên anh là Đậu.

    Nhớ về khóa 3 là nhớ đến những buổi trưa hè nắng gắt của miền Nam, cùng nhau tập dượt môn tác chiến ở thao trường, mệt lã, mồ hôi nhễ nhại.  Trong những phút nghỉ giải lao, được uống bát nước dừa xiêm tươi mát, từ các quả dừa xiêm nho nhỏ do những cô gái quê xinh xắn chào mời, thắm đượm tình quân dân.  Hoặc những cuộc hành quân đêm trong chương trình thao diễn, phải ngủ qua đêm trong những chiếc lều vải cá nhân, nằm nghe mưa rơi qua kẻ lá, thấm xuống vải lều căng thẳng, xung quanh lều, mỗi người có đào những rãnh nhỏ ngăn nước không chảy vào lều ướt lạnh.  Một tuần lễ vất vả, mệt nhọc, với những môn lý thuyết và thực tập san sát nhau không kẻ hở trong chương trình huấn luyện.  Mong cho đến trưa thứ bảy, thắng bộ quân phục "sortie" vào, quần áo kaki vàng dài tay, cà vạt đen, mũ cát-két, leo lên những chiếc xe GMC, ngồi đầy ở khung sau.  Đoàn quân xa chở về Sài Gòn thả các sinh viên sĩ quan ở khoảng đường Hai Bà Trưng, mỗi người trong tay cầm tấm giấy phép, được tự do hai mươi bốn tiếng cuối tuần.  Những anh người Nam, có gia đình ở Sài Gòn, thích thú được về hú hí với vợ con.  Những anh miền Trung, miền Bắc tìm đến nhà bà con, nhà bạn, hoặc thuê phòng - chẳng mấy chốc họ đều biến mất, lẫn trong giòng người xuôi ngược, mỗi người một tâm sự riêng tư.  Họ đi ăn, xem ci-nê, đêm ấy có người hẹn đào đi bát phố, tận hưởng hai mươi bốn giờ trước mắt tự do.  Để rồi chiều chủ nhật, cũng vào giờ này, hẹn nhau tại bãi đậu xe đường Hai Bà Trưng hôm qua.  Đoàn quân xa lại chở các sinh viên trở về quân trường, vui vẻ thoải mái, tinh thần sảng khoái, cũng có kẻ có những tâm sự buồn, để tiếp tục ra thao trường huấn luyện.  Phải hai tuần lễ nữa mới được đi phép lần sau.

    Nhớ về khóa 3 là nhớ những bài thi tập thể, cả mấy trăm sinh viên ngồi theo đội ngũ tại sân cờ trong một buổi sáng mát trời, im lặng làm bài lý thuyết, để Ban Giám Khảo đánh giá học tập của mỗi người, lấy điểm mãn khóa. Riêng ngành pháo binh chúng tôi, ngoài ra, còn có những buổi thực tập tác xạ vào "đảo dừa". vùng tự do oanh kích, vì là vùng Viêt Cộng.  Hoặc lặn lội với quan ba Vignon, trưởng ban huấn luyện pháo binh đến những khu rừng vắng, các cánh đồng hoang.  Pháo đội thực tập đặt ở đâu, ông không cho biết, chỉ cho biết mục tiêu.  Sinh viên phải ước lượng, tính toán trên bản đồ của mình.  Bắn một quả thử, hoặc ngắn quá, hoặc dài quá, để điều chỉnh cự ly, hướng đúng, rồi bắn hiệu qua.  Đại úy Vignon quả là một sĩ quan pháo binh xuất sắc của Pháp, một huấn luyện viên rất giỏi.  Suốt mấy tháng học với ông, chúng tôi đã nắm vững kỹ thuật pháo binh và tự hào là một pháo thủ giỏi, không mặc cảm tự ti trước các sĩ quan Pháp khi ra đơn vị.  Còn Trung úy Ladonne đi theo sát trung đội như hình với bóng, để ý từng ly từng tí về tính tình, thái độ, mặt yếu, mặt mạnh của mỗi sinh viên, đánh giá rất đúng.  Sau này khi làm ở ngành Tổng Quản Trị, tôi có dịp mở hồ sơ cá nhân của mình ra xem, biết anh nhận xét rất tinh tường.  Trong quá trình huấn luyện, chúng tôi cũng có dịp về Sài Gòn tham dự lễ duyệt binh trong ngày quốc khánh.  Hùng dũng khi đi ngang qua khán đài danh dự, rất đều bước trong nhịp quân hành.  Được vậy cũng nhờ tài điều khiển của Ladonne, với các thế đứng nghiêm, bắt súng chào, súng lên vai đi đều bước, từ người cao đến người thấp, sắp xếp như mái ngói trên nhà.  Anh đã nghiêm khắc phê phán những bước chân xiêu vẹo, đi lạc nhịp, cách bắt súng chào ẻo lả của một vài anh sinh viên trong trung đội.  Ladonne đã đào tạo cho chúng tôi một tinh thần kỷ luật rất cao, một sự cố gắng liên tục.  Đó là điều mà chúng tôi đòi hòi sau này ở các binh sĩ dưới quyền.

8-
Nhưng tất cả những thứ đó đều đã qua và đã hết, với ngày mất nước.  Một số tướng lãnh, sĩ quan cấp tá bỏ ngũ chạy ra nước ngoài.  Số còn lại, vì chậm chân, vì quân kỷ, vì danh dự của người lính, nên bị kẹt lại để đi tù cộng sản trên mười mấy năm.  Nhớ về khóa 3, để nhớ đến một số anh em đồng khóa đã bỏ mình trong các trại tù cải tạo của cộng sản, từ miền Nam ra đến miền Bắc, theo sự kiểm kê chưa đầy đủ, đã có trên mười người.  Cùng trại giam Nam Hà với tôi, có anh Võ Thành Phú, Công Binh, rất hiền lành và cần cù lao động.  Gặp anh mới tháng trước đó ở sân trại trong dịp đi lãnh quà nhà gửi, biết anh mắc bệnh, sức khỏe quá suy yếu.  Sau đó nghe tin anh chết ở một bệnh viện.  Anh Trần Tấn Đĩnh, cựu Trung tá ngành chiến tranh chính trị, con trai của cố nhà văn Trọng Lang, tác giả "Tôi kéo xe".  Anh Đĩnh khá thân với tôi, thời "Khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát".  Anh bị giam ở trại tù Tân Lập.  Chị Nam Trân thuộc chương trình VNP năm ngoái về Việt Nam có đi thăm trại tù này và tìm kiếm những nấm mộ còn gửi nắm xương tàn ở miền Bắc.  Cảnh chụp chị quỳ xuống cỏ, tay bới những đám lau sậy xung quanh mộ bia, để lộ tên anh "Trần Tấn Đĩnh", nhìn trong màn ảnh nhỏ, tôi cảm thấy nghẹn ngào.  Vợ con anh hiện còn ở lại Việt Nam, không thuộc diện ra đi.  Anh Phan Mạnh Tuân, thời anh làm ở Phòng 1/TTM, tôi nhiều lần gặp anh, người dong dỏng cao, nước da ngăm đen, tính tình hòa nhã.  Tôi nghe anh bị trật chân rơi xuống sông Sài Gòn chết cái đêm cộng sản chở tù đưa ra miền Bắc nhốt bằng đường thủy, vào một đêm tối trời, khoảng cuối tháng sáu 1975.  Một cái chết tức tửi, ngậm ngùi cho số phận.
    Thời gian mấy chục năm qua, các bạn đồng khóa, kẻ còn, người mất, lưu lạc bốn phương trời.  Giờ gặp nhau đây tại Hoa Kỳ, một số bạn đã lập nên Hội ái hữu Nguyễn Khoa Nam, để vinh danh cho một cố ái hữu, nay là một vị anh hùng dân tộc, là một việc làm rất quý trọng và hết sức hoan nghênh.  Nhịp cầu tri âm được nối liền qua đặc san của hội, để anh em đồng khóa mọi nơi gửi gấm những niềm tâm sự, trao đổi cùng nhau những kinh nghiệm trước cuộc đời còn lại của mỗi người.  Giờ đây chúng ta không còn trong quân ngũ với cấp bậc cao thấp khác nhau, không còn giữ những nhiệm vụ quan trọng nhiều hay ít trong chế độ miền Nam nữa.  Sống trên đất tạm dung, kẻ qua trước, người đến sau, thành công hay thất bại, hạnh phúc hoặc đau khổ, mỗi người một hoàn cảnh, một tâm tư.  Giờ đây, tất cả chúng ta, người trẻ nhất cũng đã trên đầu hai thứ tóc, người nào cũng dày kinh nghiệm sống, hiểu biết quá nhiều về Cộng sản.  Chúng ta đã mất tất cả những thứ gì trong quá khứ, không bao giờ trở lại như xưa.  Giờ đây, chúng ta chỉ sống bằng kỷ niệm của thời quân ngũ, với những hình ảnh cũ chụp ở quân trường, nếu ai còn giữ lại.  Giờ đây chỉ còn chút tình người, lồng trong mối tình đồng khóa mà Hội Ái Hữu là nhịp cầu tri âm, để giữ mối liên lạc thân thương.

Tại Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH

Gắn lon cho các Chiến Sĩ thuộc cấp


Làm việc với các Quân Nhân Hoa Kỳ tại Việt Nam

 

Đại tá Nguyễn Đức Đệ 

Cựu đại tá Nguyễn Đức Đệ đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày Chúa Nhật 28 tháng 12 năm 2008 tại Fullerton, California. Chúng tôi xin phổ biến bài "Nhìn Lại Khóa 3 Thủ Đức Sau Gần Nửa Thế Kỷ" với những kỷ niệm theo gót chân đời chiến binh của đại tá Đệ. Khóa 3 Thủ Đức là đồng môn với "Sinh Vi Tướng - Tử Vi Thần" anh hùng Nguyễn Khoa Nam.

Đa số sinh viên sĩ quan trừ bị Khóa 3 là những sinh viên, công tư chức hoặc hành nghề tự do được gọi nhập ngũ vào năm 1953. Lệnh động viên đã làm thay đổi hẳn cuộc đời, chặn đứng một sự nghiệp đang theo đuổi hay tạo một tương lai hoàn toàn mới ngoài ý nguyện nguyên thủy của mỗi sinh viên nhập ngũ. Bây giờ ngồi phân tích lại những thành quả của Khóa 3, tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn, không tiếc hối những gì đã đến với cuộc đời mình, nhưng tiếc là kết cuộc đã xảy ra không như ý muốn. Hồi tưởng lại thời gian mới nhập ngũ tại ngôi trường rộng lớn trên đồi Tăng Nhơn Phú có cột dây thép gió cao vòi vọi, nằm cách chợ Thủ Đức không xa, tôi vẫn cảm thấy bồi hồi với bao nhiêu kỷ niệm vui, buồn đã một thời cùng chia sẻ với bạn bè chung khóa.

Sở dĩ chúng tôi nhận được giấy gọi động viên vì nhu cầu chiến trường thời bấy giờ đòi hỏi. Sau Thế Chiến Thứ Hai, các đế quốc dần dần trao trả độc lập lại cho dân thuộc địa. Các đại cường như Anh, Mỹ đã chuẩn bị từ bỏ quyền cai trị ở nhiều nước từng là thuộc địa của họ, riêng Pháp và Hòa Lan là cố níu, không chịu buông rơi các thuộc quốc. Vì vậy, đã đưa đến chiến tranh Pháp-Việt từ năm 1946, một cuộc chiến đã lôi cuốn nhiều lớp thanh niên, đa số vì chống thực dân nên ra chiến khu. Sau nhiều năm cố gắng bình định mà không có kết quả, người Pháp đã trao cho Cựu Hoàng Bảo Đại những gì mà lãnh tụ Cộng Sản họ Hồ tranh đấu không được: đó là nền độc lập với quân đội riêng, hai điều kiện này ghi rõ trong các Hiệp Định ký kết với Pháp năm 1947 và 1948 ở Vịnh Hạ Long và ở Điện Elysée, Paris. Năm 1950, Quân Đội Quốc Gia Việt Nam chính thức thành lập, một nhu cầu cấp bách nẩy sinh là làm sao có đủ sĩ quan chỉ huy các đơn vị, điều hành các ngành chuyên môn? Các trường võ bị địa phương, các lớp tu nghiệp hạ-sĩ-quan đào tạo không được bao nhiêu chuẩn úy, còn trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt thì thời gian học tương đối lâu và số sinh viên thu nhận không nhiều nên các chính phủ kế tiếp thời đó đem thi hành một chính sách chung của các quốc gia thời chiến, đó là "động viên" ngõ hầu có nhân lực tham chiến. Trường Sĩ Quan Trừ Bị ra đời với khóa 1 khởi sự tại Nam Định (Bắc Việt), khóa 2 tại Thủ Đức (Nam Việt) và sau khi khóa 1 mãn khóa thì các khóa sĩ quan trừ bị kể từ khóa 3 về sau đều tập trung học ở Thủ Đức. Sau nhiều ngày chịu say sóng trong hầm tàu Gascogne xuôi Nam từ miền Bắc hoặc Saint Michel từ miền Trung, chúng tôi tới trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức vào khoảng đầu năm 1953. Những chàng sinh viên sĩ quan trừ bị (SVSQTB), thời đó gọi theo Pháp là EOR (Elève Officier de Réserve) khóa 3, trong đó có cả Nguyễn Khoa Nam được phân phối vào những dẫy nhà mới xây cất, khá tiện nghi. Chúng tôi may mắn hơn các đàn anh học khóa trước vì không phải sống trong các ba-rắc tạm bởi cơ sở nhà trường lúc đó đã tương đối hoàn chỉnh sau khi huấn luyện xong khóa 2, một khóa có sĩ số sinh viên sĩ quan khá cao so với khóa 1. Chỉ Huy Trưởng Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức lúc đó là Thiếu Tá Bouillet, Giám Đốc Huấn Luyện là Đại Úy Pichenet và đại đa số cán bộ chỉ huy, tham mưu và huấn-luyện-viên là người Pháp mà chuyển ngữ dùng trong công tác huấn luyện cũng là tiếng Pháp. Chúng tôi phải kinh qua một chương trình huấn luyện cực nhọc ngõ hầu ra trường chỉ huy một trung đội vài chục binh sĩ ở một nơi xa xôi nào đó.

Tổng số SVSQTB được gọi trong khóa 3 là 750, thuộc đủ mọi giới, công chức cao cấp và trung cấp, tư chức, sinh viên, học sinh, doanh gia và chuyên gia. Phần đông sinh viên khóa này tuổi từ 20 đến 35, có bằng Trung Học trở lên. Thể lực không đòi hỏi cao độ như sinh viên sĩ quan hiện dịch, mà các sinh viên khám sức khỏe được xếp vào hạng dịch vụ thiểu động(service sétendaire) cũng đủ sức để phục vụ (bon pour le service) vì quân đội có nhiều nha, sở không tác chiến chỉ cần sĩ quan tham mưu và điều hành. Khóa 3 khởi sự học vào tháng Tư, 1953 và thời gian thụ huấn là 6 tháng: 2 tháng đầu dành cho cơ bản quân sự, 4 tháng sau học chuyên ngành.

Quân số khóa 3 được phân phối như sau: 4 đại đội Bộ Binh, mỗi đại đội gồm có 136 SVSQ. Mỗi đại đội được gọi đùa là sư đoàn gồm 6 trung đội, mỗi trung đội thuộc một ngành chuyên môn như Kỵ Binh Thiết Giáp, Thông Vận, Pháo Binh, Truyền Tin, Công Binh, Quân Cụ.

Các cấp chỉ huy khóa sinh hầu hết là sĩ quan Pháp, chỉ có vài trung đội trưởng là người Việt, đa số tốt nghiệp Võ Bị Liên Quân. EOR Nguyễn Khoa Nam được sung vào Trung Đội 16, Đại Đội 4 do Trung Úy Nhung làm Trung Đội Trưởng và Đại Úy Lévêque làm Đại Đội Trưởng và lưu trú tại tòa nhà gần phạn xá.

Việc phối trí các EOR hoàn toàn do sĩ quan giám đốc học vụ quyết định, ông này xem qua hồ sơ, ghi ngành và trung đội, không cần trắc nghiệm tâm lý từng người để xem khả năng của họ thích hợp với ngành gì như sau này thường làm; do đó, một tay ông tạo nên cả một binh nghiệp, một đời mới cho bao nhiêu người. Anh em khóa sinh mới bị động viên còn là lính mới tò te, nhiều khi không hiểu ông sĩ quan giám đốc cho mình về binh chủng hay nha sở nào nữa, ví dụ có anh chỉ định về “Train” thì tưởng là sẽ đi coi xe lửa, có anh được ghi là “ABC” thì chẳng biết nó là cái chi chi, sau này vỡ lẽ là Thiết Giáp (Arme Blindée et Cavalerie).

Cùng lúc với việc tuyển chọn khóa sinh vào các ngành, nhà trường cấp phát quân trang quân dụng, biến các cậu các ông dân sự quần áo giầy dép đủ kiểu, đủ màu thành những chú lính với bộ quân phục đồ cụt màu xanh đậm duy nhất, có tên lạ hoắc là màu réséda. Giầy hai màu (deux couleurs) thời trang thì bị thay thế bằng giầy lính tẩy nặng trịch, đế đầy đinh, mang tên là brodequin, hôi mùi da bò. Anh nào có bộ tóc bồng bềnh, gọi là tóc “phi-lô-dốp” thì lập tức được chỉ thị lên câu-lạc-bộ (foyer) hớt thật ngắn, khi về phòng anh em khó mà nhận ra anh chàng là người cùng phòng trước khi hớt tóc, đúng với câu “cái tóc là gốc con người.” Râu ria cũng bị cạo trụi, mất hết vẻ oai hùng của “đấng mày râu.” Riêng đám anh em người Nam, vốn nhập trường trước, trong khi các anh em Trung Bắc còn lênh đênh trên biển cả, anh em miền Nam tỏ vẻ thông hiểu luật lệ nhà binh hơn vì được nhập trường trước, trong lúc các anh em Trung, Bắc vô sau, cảm thấy sợ sệt, thường vây quanh hỏi han, vấn kế những anh vô trước, đặc biệt là về tính tình của mấy cấp chỉ huy trực tiếp. Tuy thế, nhiều khi tin tức, chỉ dẫn cũng trật lất, lý do anh nào cũng mới gia nhập đời sống quân ngũ, trừ một số nhỏ cựu quân nhân cấp hạ-sĩ-quan được gởi đi học để thăng cấp. Các anh hạ-sĩ-quan này được bạn đồng học ưu ái, coi như đàn anh, khi có thắc mắc về quân kỷ các bạn líu ríu đến cầu cứu, tham khảo ý kiến của các cựu binh “tiền bối” này. Thực vậy, trong giai đoạn 1, huấn luyện quân sự căn bản, môn quân kỷ và tác chiến là hai môn chính khi thi mãn khóa giai đoạn nên anh em dù cố dùi mài, ghi chú, học thật kỹ lưỡng nhưng vẫn lờ mờ nên cần đến sự chỉ dẫn thêm của các cựu binh. Hai môn học này do các trung đội trưởng phụ trách.

Các môn học khác như Võ Khí, Địa Hình, Truyền Tin .... thì đã có ban đặc trách huấn luyện. Khóa 3 cũng như hai khóa 1 và 2 còn dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ vì đa số trung đội trưởng và huấn-luyện-viên là sĩ quan Pháp biệt phái. Anh em khóa sinh gặp những thuật ngữ quân sự mới lạ, chẳng có tự điển nào có, học hành khó khăn và trở ngại không ít. Hơn nữa, không phải khóa sinh nào cũng học Trung Học qua chuyển ngữ Pháp Văn. Nhiều bạn trẻ tuổi theo chương trình Việt Văn vấp phải “rào cản ngôn ngữ” vì vậy đã có những khóa sinh không đậu giai đoạn 1 và bị gởi ra đơn vị. Các anh này nếu học các khóa sau, dậy bằng Việt ngữ, chắc sẽ qua cầu không bị đánh trượt.

Chương trình huấn luyện, theo một sĩ quan huấn luyện viên tiết lộ, dựa theo trường Fréjus bên Pháp trong khi trường Võ Bị Liên Quân thì căn cứ vào chương trình của Coetquidan (trường đào tạo sĩ quan của Pháp thay thế trường Saint Cyr chưa phục hoạt sau Thế Chiến 2). Dù chương trình huấn luyện ở Thủ Đức tương đối dễ thở hơn, nhưng anh em khóa sinh đâu biết trời trăng gì, chỉ thấy bị nhà binh quần thảo, không đủ thì giờ nghỉ ngơi nên anh nào anh nấy "than Trời như bộng." Khi còn ở ngoài đời sống dân sự thì lè phè quen, nay nhập ngũ, quân kỷ thắt chặt, đi ăn cũng xếp hàng, đi đều bước, giường nệm gấp đúng qui luật, giầy săng đá phải chùi láng, và bao cái linh tinh khác hành xác mệt nhừ, tinh thần căng thẳng... Từ 5 giờ sáng có lệnh đánh thức để tập thể dục, gọi là xả mỡ (dégraissage), dù mấy thư sinh bạch diện gầy ốm tong teo đâu có mỡ để xả bớt.

Nhưng đau khổ nhất là khóa sinh bị cấm trại, không được đi phép, không được xuất trại trong gần hai tháng học giai đoạn 1. Vốn quen sống gần gia đình, vợ con, anh em nào bị cấm trại thì nhớ nhà vô kể, ngày Chủ Nhật được nghỉ trở thành những Chủ Nhật Buồn. Ngày đó anh em thi nhau viết văn, văn đây là những bức thư kể lể cuộc đời mới cho gia đình, cho người yêu. Người gởi thư cũng như người nhận bắt đầu quen thuộc dần với cái KBC 4100 xa xôi và không có gì quí hơn đối với khóa sinh là thấy nhân viên phát thư mệnh danh là vaguemestre chia thư tín cho các trung đội mang về cho các anh em. Tám tuần lễ học làm lính sao nó lâu thế! Mấy môn học mới lạ và rắc rối khiến nhiều anh em phải mua đèn cầy học thêm sau giờ tắt đèn đi ngủ. Môn hóc hiểm là tháo ráp cây súng nặng trịch Garant M-1, lúng túng là đọc tọa độ UTM, dễ lầm lộn là mấy chiếc nút trên máy tuyền tin dã chiến ... Những giờ thực hành tác chiến, tổ chức địa hình, tác xạ ngoài bãi còn cực nhọc hơn nữa, đa số khóa sinh là công tử, nhàn hạ quen, nay phải đổ mồ hôi tại thao trường, đào hố cá nhân trên đồi đất đỏ khô cằn, chạy đoạn đường chiến binh... anh nào anh nấy thở không ra hơi, nhất là các anh gốc Trung hay Bắc, chưa chịu nắng miền Nam bao giờ. Trong khi đó thì các thầy, các trung đội trưởng lại rất hắc, rất khó, để ý từng chi tiết, bắt ne bắt nét từng lỗi lầm nhỏ nhặt để la rầy, mục đích là uốn nắn những thanh niên đang sống đời tự do phóng khoáng, tùy thích cá nhân, biến cải họ thành những cấp chỉ huy có kỷ luật, biết sống trong tập thể, dám hy sinh... Nhưng lúc đó, anh em khóa sinh bị “quay” quá thì lại nghĩ rằng thì lại nghĩ rằng mấy thầy đi lính trước mình mấy năm, tính hách xì xằng, được dịp hạch sách thì ra tay “hành” bọn đàn em, ỷ vào nguyên tắc quân kỷ: thi hành lệnh trước đã, muốn gì khiếu nại sau. Vì quân kỷ là sức mạnh của quân đội, cho nên dù một lệnh lạc dù có kỳ quặc cũng phải thi hành cái đã, không oong đơ gì cả. Có buổi trưa nắng, tự nhiên có lệnh cho khóa sinh ra ngồi giữa sân cả nửa giờ đồng hồ, rồi có lệnh cho vô nhà, khơi khơi vậy thôi, cũng phải răm rắp thi hành lệnh vô bổ đó. May mà ở Thủ Đức không có khóa đàn anh, không có tập tục “huấn nhục” đàn anh hành đàn em, một tập tục truyền thống của các trường đào tạo sĩ quan.

Trong tiến trình huấn luyện, thời gian không qua mau, nhưng rồi cũng đến ngày hết giai đoạn 1. Khóa sinh được đeo Alpha, và quý báu hơn cả là được đi phép sau bao ngày cấm cung trên đồi Tăng Nhơn Phú. Anh em gốc miền Nam là mừng hơn cả vì được về nhà thăm vợ con hoặc bạn gái thân thương. Anh em gốc Trung, gốc Bắc cũng có dịp đi chơi Sài Gòn-Chợ Lớn, ghé Kim Chung, Đại Thế Giới ... Khi đi phép, anh em được lệnh là không được mặc quần áo dân sự nhưng ngay hôm sau, đã gặp nhau trên đường Catinat trong bộ đồ civil thời trang rồi. Nếu vô phúc gặp trung đội trưởng thì lẩn cho mau kẻo kỳ sau mất phép, và cuối khóa mất code d' amour, tức điểm cảm tình, một số điểm rất quan trọng để thăng quan. Số điểm này hoàn toàn do huấn-luyện-viên cho khóa sinh một cách chuyên đoán, tùy hỉ, ưa thì cho nhiều, ghét thì cho ít hoặc không cho điểm nào cả.

Qua lần đi phép đầu tiên, sau đó, khóa sinh cứ 2 tuần lễ được đi phép một lần và sau khi qua giai đoạn 1, lương được tăng ngang mức lương hạ-sĩ-quan, nhưng khóa sinh gốc công chức thì vẫn lãnh tổng số lương như cũ (vì lương sai biệt bị trừ bớt một số tiền bằng với số gia tăng của lương nhà trường phát). Đó là trường hợp của EOR Nguyễn Khoa Nam và các đồng liêu công chức. Riêng các anh em sinh viên tư chức có thêm chút tiền túi, ăn tiêu rủng rỉnh hơn khiến câu-lạc-bộ đắt khách hơn và các chị ở trại gia binh tối tối mang hột vịt lộn lên bán cũng đắt hàng hơn. Tới lúc đó thì cuộc sống quân trường của các khóa sinh tạm gọi là ổn định. Các anh em được chọn vào ngành chuyên môn phải học nhiều về kỹ thuật, thường là học trong lớp nên không còn phải ra bãi tập nhiều như trước, vì phải học nhiều về kỹ thuật, thường là học trong lớp vì lâu lâu mới có bài tập dã chiến. Dĩ nhiên là các binh chủng chiến đấu như thiết giáp, pháo binh vẫn phải ra ngoài thực tập nhiều hơn các binh sở. Ngược lại, các khóa sinh bộ binh, dù là bộ binh nhẹ hay trọng pháo, học tập cực hơn trước và phải thay phiên đi đóng đồn tại cao nguyên (plateau), một căn cứ gần trường; thêm vào đó, anh em bộ binh phải phụ trách việc chào kính, một công tác thường nhật.

Nhân nói đến vụ chào kính, anh Đào Văn Sơn có kể một câu chuyện về EOR Nguyễn Khoa Nam: “Mỗi ngày vào buổi sáng, nhà trường gởi một toán 7 người lên cư xá sĩ quan để dàn chào Thiếu Tá Bouillet, vị Chỉ Huy Trưởng của trường. Đến phiên Trung Đội 16, anh Nam được lệnh làm chỉ huy toán dàn chào vì anh tốt tướng, vạm vỡ đô con hơn cả. Với tính kỹ lưỡng sẵn có, anh chuẩn bị rất chu đáo, kiểm soát cẩn thận quân phục, giầy, súng, nhất nhất món nào cũng láng coóng. Thiếu Tá Bouillet xuất hiện, anh trình diện toán rồi bước về đứng đầu hàng đợi Thiếu Tá Bouillet duyệt toán quân. Duyệt quân đến chỗ anh Nam, ổng nhìn từ đầu xuống chân, rồi bất ngờ cúi xuống, buộc lại dây giày cho anh Nam vì khi di chuyển về chỗ đầu hàng, dây giầy một bên tuột ra mà anh không dám dừng chân để cột lại. Ngay sau đó, ổng cho anh em một bài giảng về quân kỷ. Ông nói cấp chỉ huy phải làm gương, cấp chỉ huy có kỷ luật thì binh sĩ mới có kỷ luật và quân đội mới trở nên một quân đội có kỷ luật.” Chuyện này chứng tỏ là các sĩ quan cán bộ trong trường rất lưu tâm đến những chi tiết nhỏ nhặt, muốn những sĩ quan mà họ đào tạo ra phải trở thành mẫu mực trong quân đội mới thành lập, theo đúng truyền thống lâu đời của quân đội Pháp.

Các sĩ quan Việt cũng hắc không kém, trung đội khóa sinh nào di chuyển mà hàng ngũ lộn xộn một chút, không may gặp sĩ quan cán bộ dọc đường là bị rầy rà, la mắng hoặc bị phạt chạy vài chục vòng quanh vũ-đình-trường. Ngày gay go nhất là ngày đi phép, sĩ quan phụ trách xuống khám phòng, chàng nào giường tủ, áo quần lôi thôi là mất phép, ráng ở lại trường, trong khi đồng đội du hí Sài Thành dui dẻ. Khóa sinh xưa nay đa số là các công tử, nay bị khép vào kỷ luật nhà binh nên nhiều anh em tìm mọi cách để vi phạm trường quy mà vẫn tránh được hình phạt. Nổi tiếng nhất là một khóa sinh cựu quận trưởng hành chánh, ngày nào cũng xé rào, trốn ra ngoài trại mà không khi nào bị chộp bị bắt. Anh trốn trại mỗi ngày vì có nợ với nàng tiên nâu, nghiện á phiện nên phải ra chợ Thủ Đức làm ít cối. Nhưng đại đa số khóa sinh đã thích ứng được với hoàn cảnh mới và thay đổi cách sống, dáng đi đứng, lối nói năng; từ những thư sinh tóc dài, ẻo lả nay đã trở nên những quân nhân nước da rám nắng, nét mặt rắn rỏi... Đúng như tập ngữ “ninety day wonder”, chỉ 90 ngày tận tình huấn luyện mà các sĩ quan trừ bị của Mỹ trong thời Thế Chiến đã trở thành những cấp chỉ huy tin cậy được. Phương pháp đào tạo của Pháp có tính cách chuyên nghiệp, chú trọng vào hình thức và kỹ năng, không vận dụng tinh thần, không lưu ý đến chiến tranh tâm lý trong một cuộc chiến đậm mùi ý-thức-hệ, đó là một khuyết điểm đáng kể trong chương trình học.

Như nói ở trên, Khóa 3 Trừ Bị Thủ Đức còn dùng chuyển ngữ Pháp Văn, nhiều khóa sinh non tuổi học chương trình Việt nên yếu tiếng Pháp, không hiểu rõ bài giảng và các chỉ thị của huấn-luyện-viên, nhất là trong những lớp chuyên môn như truyền tin, địa hình, kỹ thuật, xe hơi, vũ khí, v.v. Điều này đôi khi đã đưa đến hậu quả đáng tiếc như vụ một sinh viên sĩ quan đã tự vẫn bằng súng trường. Có lời đồn đại trong nhóm khóa sinh là chỉ vì trở ngại sinh ngữ, điểm thấp, anh sợ bị rớt nên mới có hành động dại dột gây nên thảm kịch đó. Dù sao, biến cố này cũng gây một chấn động lớn lao cho toàn thể khóa sinh lẫn sĩ quan huấn-luyện-viên.

Nói đến Khóa 3 mà không kể những chuyện vui buồn của câu-lạc-bộ (foyer) thì quả là thiếu sót. Foyer là một căn nhà rộng lớn, do nhà thầu Pierre Villaréal quản trị mà anh em thường gọi là “anh De”. Câu-lạc-bộ bán đủ thứ, rất đông khách, nhất là sau các kỳ lãnh lương (paye), anh em khóa sinh rủng rỉnh tiền bạc, la ve uống bí tỉ, nhậu nhẹt giải trí và bổ dưỡng để lấy sức học tập. Trong đám nhân viên bán hàng có cô cháu gái của anh quản lý trẻ đẹp, dễ thương khiến nhiều bạn trong khóa trồng cây si. Một EOR còn độc thân đã kiên nhẫn đeo đuổi, nhất quyết chiếm cho được trái tim người đẹp. Giờ nào không có lớp là anh lên chầu chực, quên cả học bài, ôn bài, kết quả là anh đã rớt trong kỳ thi tốt nghiệp, ra trường với lon chuẩn úy. Câu-lạc-bộ là nơi gặp gỡ của các cặp vợ chồng, tình nhân trong những ngày cuối tuần không được đi phép (nên nhớ hai tuần mới được đi phép một lần), nhiều màn mùi mẫn công khai xảy ra trước mắt bá quan và bạn bè làm nhiều người bạn cũng nóng mặt.

Điều mà các khóa sinh e ngại nhất là vụ chọn đơn vị khi tốt nghiệp, mệnh danh là amphigarnison mà thứ tự chọn lựa dựa vào kết quả trong kỳ thi ra trường, ai điểm cao thì chọn trước, dĩ nhiên là được chỗ tốt, gần gia đình, ít cực nhọc nguy hiểm. Vì vậy các anh em khóa sinh cố gắng dùi mài, học ngày học đêm, cố lấy điểm ngõ hầu đậu cao, chọn được chỗ ngon lành hơn... Vốn là dân bị động viên, rất ít người có chủ định suốt đời theo binh nghiệp, đa số chỉ mong thi hành đủ vài năm quân ngũ rồi trở về với công việc cũ của mình.

Trong một bữa tiệc nhắm mục đích cho khóa sinh làm quen với gia đình của sĩ quan cán bộ, một sinh viên sĩ quan đã nêu lên vài thắc mắc với phu nhân của một trung úy trung đội trưởng người Pháp như: “Trong quân đội Pháp, có nhiều sĩ quan gốc động viên tiếp tục phục vụ trong quân ngũ không? Có nhiều sĩ quan trừ bị sang hiện dịch không?” Bà cho biết là theo kinh nghiệm, số sĩ quan bị động viên có khá nhiều người chọn đời binh nghiệp, ngay ở trong Quân Lực Diện Địa Viễn Đông (FTEO, Forces Terrestres d'Extrême Orient), sĩ quan trừ bị cũng rất đông. Bà giải thích lý do là đời sống quân ngũ tuy cực nhọc, nguy hiểm nhưng thỏa mãn tinh thần, tạo nên ý nghĩa cho cuộc sống. Bà dùng câu tục ngữ “l' appétit vient en mangeant,” có ăn rồi mới thèm ăn; nói cách khác là khóa sinh ra trường chỉ huy binh sĩ, rồi cảm thấy thích thú đời quân ngũ từ đó phát sinh ý muốn tiếp tục phục vụ quân đội. Bà còn nói trong tập thể khóa sinh có những nhân tài, những kho tàng ẩn dấu (tresors cachés) sẽ sáng chói khi có cơ hội. Lời tiên đoán của bà đã đúng với một số đông sĩ quan tốt nghiệp Khóa 3, trong đó nổi trội nhất là EOR Nguyễn Khoa Nam.

Theo truyền thống ở các trường quân sự Pháp Quốc, các sinh viên sĩ quan tốt nghiệp với điểm cao thường chọn ngành chiến đấu tiền phong như Thiết Giáp, Nhảy Dù vì Thiết Giáp Binh nối nghiệp Kỵ Binh, một binh chủng quý tộc (arme noble), còn Nhảy Dù thì nổi tiếng trong Thế Chiến 2 là thần tốc, quyết định thắng bại tại chiến trường nên sĩ quan ưu tú là phải mang mũ nồi đỏ (bérêt rouge). Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức có huấn luyện sĩ quan Thiết Giáp trong một trung đội với khóa sinh đã lựa chọn ngay khi nhập trường, chỉ có Nhảy Dù là binh chủng chọn những sĩ quan tình nguyện sau khi mãn khóa. Trong hơn 700 khóa sinh Khóa 3 Trừ Bị Thủ Đức tốt nghiệp, chỉ có 6 người xin vào binh chủng Nhảy Dù đó là các EOR Nguyễn Khoa Nam, Hoàng Đức Ninh, Nhâm Ngọc Hựu, Bùi Văn Thạch, Nguyễn Thế Phồn, Trần Huy Chương.

Anh em đồng khóa thán phục sự can đảm, óc mạo hiểm của các bạn đó nhưng cũng hơi thắc mắc là các bạn đó lại chọn con đường khó khăn nguy hiểm như vậy vì lý do gì: thích phiêu lưu? mong thăng chức mau? ưa cảm giác mạnh hay là “bốc đồng”? Có điều chắc chắn là các sĩ quan cán bộ, đặc biệt là những sĩ quan Pháp, rất lấy làm hãnh diện thấy kết quả của việc huấn luyện của mình đã biến những bạch diện thư sinh thành những chiến sĩ hào hùng và tạo được những con người mới đầy đủ khả năng chỉ huy, không nề nguy hiểm. Nếu không có 6 EOR “dám nhảy từ trên Trời xuống” tình nguyện sang Nhảy Dù thì cả khóa đã bị coi là thỏ đế, nhát nhúa và đó là một điều làm tổn thương danh dự của cả khóa không ít. Do đó, anh em đồng khóa rất hãnh diện khi có những người bạn đã xung phong gia nhập Nhảy Dù, một binh chủng chiến đấu luôn luôn đi đầu và chịu lãnh nhiều tổn thất nhất trong quân đội.

Sau bốn tháng huấn luyện chuyên ngành, anh em được chuẩn bị để thi ra trường. Lúc này là giai đoạn căng thẳng nhất vì cuộc thi sẽ định đoạt tương lai mỗi người. Doanh trại sáng rực ánh đèn cầy ngay khi đèn điện tắt, một số lớn khóa sinh tiếp tục ôn bài, xem lại các notes đã ghi chép, tụng những bài bản quan trọng, hỏi nhau những điểm khó hiểu, dợt cách trả lời những câu hỏi tự đặt cho mình. Ai cũng lo không biết những môn thi thực hành có hệ số cao sẽ ra sao? Giám khảo có hắc búa không?

Một Hội Đồng Chấm Thi từ Sài Gòn lên, chánh-chủ-khảo là Đại Tá Phạm Văn Cảm, thành viên đa số là sĩ quan Pháp lấy từ các bộ Tham Mưu, các Trung Tâm Huấn Luyện, các đơn vị lớn, các sĩ quan này chấm những môn quan trọng, một số nhỏ sĩ quan Việt Nam đảm trách chấm những môn còn lại. Cuộc thi kéo dài trong nhiều ngày, trong suốt thời gian thi, không những tinh thần khóa sinh rất căng thẳng, ngay đến các sĩ quan trung đội trưởng và đại đội trưởng cũng lo âu không kém. Họ theo dõi từng môn thi, động viên tinh thần, khích lệ, mách nước cho các khóa sinh, đặc biệt là các khóa sinh học kém. Các huấn-luyện-viên rỉ tai, chỉ vẽ những ngón hay trong ngành nghề ngõ hầu các thí sinh có cơ may qua cầu thoát nạn khi gặp những giám khảo khó tính hoặc thích hỏi những câu ngoắt ngoéo, khó hiểu. Thiếu Tá Bouillet, Chỉ Huy Trưởng của Trường, đi vòng vòng quan sát đám đệ tử xem họ bị quay tơi bời đến mức nào, đánh giá công trình huấn luyện của trường. Ông có vẻ hài lòng khi thấy phần lớn khóa sinh trả lời trót lọt. Thật vậy, kết quả cuộc thi cho thấy chỉ có một số ít ra chuẩn úy vì thiếu điểm còn đa số đậu và ra trường với cấp bậc thiếu úy.

Trong Lễ Mãn Khóa, một cuộc diễn hành để biểu dương lực lượng của toàn khóa được tổ chức tại Sài Gòn, với hình thức quân trường của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Tiểu đoàn khóa sinh được chỉ huy toàn bộ bởi sĩ quan Việt Nam, đi diễn hành dọc theo đường Norodom. Dân chúng đi coi duyệt binh khá đông, dĩ nhiên trong đám đông ấy có nhiều thân nhân của các tân sĩ quan. Lễ xướng danh thì thực hiện tại vũ-đình-trường, anh em khóa sinh hồi hộp chờ gọi tên, theo thứ tự điểm thi mãn khóa, suốt mấy ngày trước tin đồn là thủ khoa và mấy chỗ đầu đều do khóa sinh 5ème Division chiếm vì họ giỏi về chuyên môn mà hệ số các môn này lại cao, giám khảo cho điểm rộng. Tin đồn gần trúng vì Thủ Khoa Phạm Văn Mân là dân Pháo Binh, binh chủng có tiếng là bác học (arme savante) vì sĩ quan pháo thủ phải giỏi toán để tính những số liệu tác xạ. Anh Mân lại có dáng dấp bệ vệ, xứng đáng đi đầu hàng quân. Anh đậu Á Khoa thuộc Công Binh tên Lê Minh Chúc. Chiếm hạng ba là một anh Kỵ Binh Thiết Giáp, Nguyễn Thành Luông, thường gọi là Commis Luông vì ngạch của anh trong công chức là tham sự. Xướng danh hơn bảy trăm sĩ quan tốt nghiệp cũng mất nhiều tiếng đồng hồ.

Sôi nổi nhất là buổi chọn nơi phục vụ amphigarnison. Dù gì đi nữa, nhiều sĩ quan trừ bị không có tinh thần như những sĩ quan hiện dịch tình nguyện, họ không mấy thích mạo hiểm, ngại xông pha chiến trận nên ai mà chẳng muốn được bổ nhiệm vào một đơn vị đồn trú gần gia đình, tránh né các địa phương kém an ninh. Vì những lẽ đó, sĩ quan tân khoa ưu tiên chọn Đệ Nhất Quân Khu ở miền Nam và chỉ có các anh gốc Bắc hoặc xếp hạng thấp trong kỳ thi ra trường là chọn Đệ Tam Quân Khu thôi. Sau khi chọn nơi phục vụ, có những vụ đổi chác: anh đã chọn miền Nam đổi chỗ cho anh chọn miền Trung vì muốn ở gần vợ con, hoặc là anh phải ra miền Bắc vì xếp hạng thấp, không còn chỗ trong Nam, mà gia đình lại ở Lục Tỉnh nên phải năn nỉ với một anh chọn chỗ trong Nam xin hoán đổi về Đệ Nhất Quân Khu. Văn phòng nhân viên tỏ ra dễ dãi và thông cảm cho các vụ hoán đổi.

Các tân sĩ quan được phân phối đi dự các dạ tiệc tại dinh thủ tướng, ở các bộ phủ, khi qua trạm gác, được binh sĩ chào đúng quân cách. Có anh hỏi đường thì lính gác một điều thưa quan, hai điều thưa quan, nghe hơi có vẻ phong kiến nhưng trong lòng “các quan” cũng thích thầm, nghĩ rằng công dùi mài kinh sử, đi bãi tập luyện cực khổ, nay đang được đền bù: đã thành quan, dù chỉ là chức quan nhỏ.

Mãn khóa xong, anh em nóng lòng chờ giấy phép để về với gia đình, nhất là các anh động viên từ Bắc và Trung. Suốt nửa năm xa vợ con, xa nhà, ai không nôn nóng, mong ngày phép. Những ngày sum họp với gia đình là những ngày quý báu, nhưng qua rất mau, và viễn ảnh cuộc chiến ngày càng khốc liệt là một mối lo cho nhiều anh em, nhất là khi quân đội Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và mở nhiều chiến dịch ở mạn Nam đồng bằng sông Hồng. Các anh chọn Quân Khu 3 ngoài Bắc, vừa hết phép về trình diện là ra đơn vị và hành quân liên miên ngay. Quân Khu 1 và 2 tương đối yên hơn. Một số chọn ngành chuyên môn thì phục vụ tại các nha sở, đơn vị thuộc ngành của mình. Thiếu Úy Nguyễn Khoa Nam tình nguyện thuyên chuyển về một đơn vị Dù ngoài Bắc.

Sĩ quan khóa 3 Thủ Đức ra trường vào đúng lúc Quân Đội Quốc Gia Việt Nam tiếp thu các đơn vị của Pháp, nên nhiều anh em được gởi đi thụ huấn ở Pháp, lúc về được bổ nhiệm vào các chức vụ tương đối cao và được thăng cấp khá mau. Tổng quát mà nói, đa số sĩ quan tốt nghiệp Khóa 3 Thủ Đức đều làm nên sự nghiệp, nhờ có vốn liếng văn hóa hay chuyên môn, chịu trận mạc ngay từ khi còn “mỏ trắng” (blanc bec), lập nhiều công trạng chiến trường. Một anh nổi tiếng “anh hùng đồn Khả Lý-Bắc Việt” là Nguyễn Hoàng Chương. Sau ngày ký kết Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước, một thiểu số rất nhỏ kẹt lại miền Bắc mà phần lớn vì lý do gia đình, còn đa số di chuyển vào Nam. Một số nhỏ khác gốc công chức được giải ngũ sau hơn hai năm phục vụ quân đội. Không ít anh em chuyển sang hành chánh làm việc, anh Thủ Khoa Phạm Văn Mân, các anh Mai Ngọc Dược, Hoàng Đức Ninh, Cao Văn Chơn nhậm chức tỉnh trưởng. Vài anh xuất ngoại du học như các anh Nguyễn Sĩ Tín, Dương Thiệu Hiểu. Mấy đợt giải ngũ kế tiếp, một số anh có tài kinh doanh đã ra tung hoành nơi thương trường như các anh Lê Minh Triết, Huỳnh Trung Lập, Trần Văn Tuất, Lâm Tuấn Lâm. Ra chính trường thì ta thấy các anh Phạm Đỗ Thành, Lê Ninh, Nguyễn Thành Luông, Võ Văn Cầm. Giữ các chức vụ chuyên môn ở cấp cao có mấy anh Nguyễn Văn Ghi, Lê Liêm, Trần Văn Thăng. Ở ngành ngoại giao có anh Vũ Quốc Ngọc. Cơ quan chuyên môn có những Ngô Quí Thiều, Nguyễn Năng Nhu. Ngành Luật Sư có Huỳnh Quang Trung, Lê Tất Hào (lưỡng quốc luật sư Việt-Mỹ), Lý Quốc Sỉnh, Phạm Kim Vinh; anh Vinh còn là một cây bút sắt bén dưới bút hiệu Trương Tử Phòng. Những anh trước tác nhiều đáng kể là Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn, Tạ Tỵ, Nguyễn Trọng Liệu, Nguyễn Hữu Trạc, Nguyễn Sỹ Tín, Đỗ Khắc Siêm, Vũ Công Định. Bác sĩ thì có Hoàng Ngọc Đính. Còn trong quân ngũ thì đa số chỉ huy các đơn vị quan trọng; đặc biệt các anh Nguyễn Khoa Nam, Huỳnh Văn Lạc là những sĩ quan khóa 3 mang sao, thăng tướng. Không ít dân khóa 3 đã là những Đại Tá đảm nhận những chức vụ cao: Cục Trưởng Bùi Hy Trọng, Chánh Án Tòa Mặt Trận Nguyễn Trọng Liệu, Ủy Viên Chính Phủ Nguyễn Đình Trí, Giám Đốc như Chu Văn sáng, Trưởng Phòng Bộ TTM Nguyễn Đức Đệ, Chỉ Huy Lực Lượng Đặc Biệt Ngô Thế Linh. Nhưng người được giao nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là anh Nguyễn Khoa Nam với chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn IV-Quân Khu 4, một trong 4 đại đơn vị và Vùng Chiến Thuật của Việt Nam Cộng Hòa. Những sĩ quan Khóa 3 Thủ Đức đã hy sinh vì tổ quốc cũng khá nhiều, tiếc rằng danh sách chính thức không có.

Tổng kết lại thành tích của sĩ quan Khóa 3 Thủ Đức, tôi thấy các sĩ quan Khóa 3 không thăng cấp cao và mau như các đàn anh trong khóa 1, một phần vì ra trường sau, một phần vì tuổi tác trung bình của anh em khóa 3 cao hơn. Thêm vào đó, sĩ quan xuất thân Khóa 3 gồm đa số thuộc thành phần công tư chức nhiều hơn sinh viên học sinh, có gia đình nhiều hơn độc thân, vì vậy thường giữ bản tính thích phục vụ tại các bộ tham mưu, nha sở, nên lâu lên lon và khó nổi trội tiếng tăm. Tuy vậy, sự đóng góp của các anh em không phải là nhỏ vì trong quân đội, công tác tham mưu cũng quan trọng không kém công tác chiến đấu. Có một điều chắc chắn là sau khi rời đồi Tăng Nhơn Phú, cuộc đời và tương lai của các anh em động viên vào Khóa 3 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức đã đổi thay rất nhiều: theo đuổi một sự nghiệp mới hoặc nhận những trách nhiệm nặng nề được giao phó. Nhiều người phải từ bỏ hẳn đời sống an toàn để “vào sinh ra tử” không những cho chính mình mà còn mang theo tính mạng của binh sĩ thuộc cấp. Nhiều người đã gác sang một bên những dự tính tương lai của thời dân sự mà tiếp tục phục vụ trong quân đội. Cũng có nhiều anh vẫn ở ngạch trừ bị đến ngày rã ngũ, nhưng một số anh trừ bị chuyển sang hiện dịch sau khi xuất ngoại tu nghiệp hoặc vì “l' appétit vient en mangeant.”

Gần nửa thế kỷ trôi qua, ngồi tính lại sổ đời, ta mới thấy ngày nhập ngũ là một khúc quẹo của cuộc sống, bước ngoặc của đường đời, là cơ hội khai triển các tài năng ẩn dấu, tận dụng nội lực tiềm tàng trong mỗi người. Khi mới nhận được lệnh động viên thì các anh em coi đó là một gánh nặng, một nghĩa vụ “muốn tránh cũng không được”, nhưng một khi sống quen đời quân ngũ rồi ta lại tự nhiên thích lối sinh hoạt tập thể, phiêu lưu nhưng kỷ luật, nhiều thử thách nhưng hưởng được các thành quả, những tưởng thưởng vật chất và tinh thần khó tìm thấy trong đời sống dân sự. Nhìn lại quá trình và thành tích của các thành phần trong Khóa 3 Thủ Đức, dù rằng, giờ đây, kẻ mất người còn, lưu lạc tản mác khắp nơi trên thế giới; dù rằng, có thể ý nguyện hay hoài bão của nhiều người chưa đạt đến nơi đến chốn, ta nhận thấy đại đa số sĩ quan xuất thân Khóa 3 đã tỏ ra “tận kỳ lực, đạt kỳ công” trong thời gian phục vụ quê hương dân tộc.

Friday, August 19, 2011

Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh đầu tiên của Sư đoàn 3 Bộ binh


Trong việc tìm kiếm tài liệu để viết lại giai đoạn 1954-1975, tôi được bác sĩ Phạm Hữu Trác (Montreal) và cựu đại tá Pháo binh Lê Văn Trang (California) giới thiệu với cựu chuẩn tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh đầu tiên của Sư đoàn 3 Bộ binh (SĐ3BB) Quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong chuyến đến California vào cuối tháng 7-2011, tôi gặp chuẩn tướng Giai tại nhà đại tá Trang. Cuộc trò chuyện bắt đầu từ 01 giờ đến 05 giờ chiều Thứ Hai 25-7-2011. Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện giữa chúng tôi, được trình bày với sự đồng ý của chuẩn tướng Giai. Tôi không dám gọi đây là một cuộc phỏng vấn, mà chỉ là một cuộc trò chuyện với một nhân vật đã tham dự vào những biến cố quân sự ở Quân khu I vào đầu thập niên 70 vừa qua. Để cuộc trò chuyện được thoải mái, thân mật, tôi đề nghị gọi chuẩn tướng Giai bằng anh và được ông đồng ý.
1) Trước hết, thưa anh Giai, xin anh cho biết đôi chút về thân thế của anh?
- Thưa anh, tôi có thể nói đơn giản thế nầy: Tôi sinh năm 1934 tại làng Duy Tắc, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Cha tôi mất sớm, mẹ tôi làm ruộng, tần tảo nuôi con. Cha mẹ tôi có 4 người con, 1 gái và 3 trai. Tôi là con út trong gia đình.
2) Thưa anh, hoàn cảnh nào đưa anh vào binh nghiệp, và xin anh trình bày các cấp bậc anh đã trải qua trước khi lên tướng.
- Năm 1953, tôi đang theo học lớp Đệ nhị [tức lớp 11 ngày nay] trường Văn Hóa ở Hà Nội, thì tôi nộp đơn thi vào Khóa 10 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Lý do thứ nhất vì mẹ tôi không còn khả năng tiếp tế cho tôi. Làng tôi bị Việt Minh cộng sản kiểm soát. Gia đình tôi bị coi là tư sản, theo văn hóa nô dịch, nên Việt Minh bắt hai người anh của tôi đi tù, và tịch thu hết ruộng đất, cho nên ngay từ thời thiếu niên, tôi không ưa gì cộng sản. Lý do thứ hai là trước sau gì tôi cũng sẽ được gọi động viên dù tôi thi đậu bằng Tú tài I vào cuối năm học ấy. Tôi nghĩ rằng sớm muộn gì tôi cũng sẽ theo đường binh nghiệp, nên tôi tình nguyện đi sớm, trước hết là để tiến thân, sau là để phục vụ quốc gia chống cộng sản.
Tôi ra Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt tháng 6-1954, cấp bậc thiếu uý hiện dịch. Tôi theo học nhảy dù, và thuyên chuyển về Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù (ND) ở cạnh Hồ Tây, Hà Nội, giữ chức trung đội trưởng.
Tháng 7-1954, đất nước bị chia hai, quân đội Quốc Gia rút về Nam Việt Nam. Sau hai năm thiếu uý, tôi được thăng cấp trung uý năm 1956, giữ chức đại đội trưởng Đại đội 3 Tiểu đoàn 5 ND, cùng với trung uý Ngô Quang Trưởng (sau nầy là trung tướng), coi Đại đội 1 TĐ5ND.
Năm 1961, sau trận đánh quận Phú Đức, gần Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, tôi được đặc cách thăng đại uý, rồi lên thiếu tá năm 1964 khi tôi đang làm trưởng phòng 2 Sư đoàn 1 Bộ Binh (SĐ1BB) ở Huế. Năm 1966, tôi thăng trung tá lúc đang giữ chức trung đoàn trưỏng Trung Đoàn 2 SĐ1BB, trấn giữ vùng giới tuyến ở Đông Hà, Quảng Trị. Sau trận Mậu Thân năm 1968, tôi lên đại tá và được đưa giữ chức chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Tiền phương SĐ1BB tại Ái Tử, Đông Hà, Quảng Trị. Sau cuộc hành quân Lam Sơn 1971 ở Hạ Lào, tôi lên chuẩn tướng. Đó là sơ lược sự thăng tiến trong cuộc đời binh nghiệp của tôi.
3) Thưa anh, khi VNCH mở cuộc hành quân Hạ Lào (Lam Sơn 719), anh là Phó tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh (SĐ1BB), là sư đoàn chính trong cuộc tấn công qua Lào. Xin anh vui lòng cho biết mục đích chính của cuộc hành quân nầy?
- Mục đích chính của cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971 là: 1) Phá hủy con đường xâm nhập và tiếp vận của Việt Cộng từ Bắc vào Nam thông qua con đường Trường Sơn Tây trên đất Lào. 2) Tiêu diệt hết những lực lượng cộng sản trú ẩn trong vùng. Đây là một cuộc hành quân quan trọng có tính cách chiến lược, quyết định chiến tranh Việt Nam.
4) Thế thì diễn tiến cuộc hành quân như thế nào thưa anh?
- Theo kế hoạch, cuộc hành quân chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Ba cánh quân Biệt động quân ở phía bắc, Sư đoàn Nhảy dù và Lữ đoàn 1 Thiết giáp cánh giữa dọc theo đường số 9 và sông Tchepone, SĐ1BB cánh nam sông Tchepone, tiến chiếm các mục tiêu đến tuyến 1 Bản Đông. Giai đoạn 2: Các cánh quân tiến chiếm các mục tiêu trên tuyến 2 tỉnh Tchepone. Giai đoạn3: SĐ Nhảy Dù sẽ đổi hướng quét lên phía bắc tận biên giới miền Bắc Việt Nam.
Trong giai đoạn 1 sau khi các cánh quân tiến chiếm được các mục tiêu và lập các căn cứ hỏa lực dọc tuyến 1 thì bắt đầu có giao tranh. Biệt động quân bị tấn công mạnh, Lữ đoàn Dù ở căn cứ 31 bị thiết giáp Việt cộng tràn ngập. Đại tá Thọ, lữ đoàn trưởng, bạn tôi, bị bắt. Vì vậy mà giai đoạn 2 không tiến hành được.
Lệnh hành quân thay đổi. SĐ1BB cánh Nam thay thế SĐND tiến chiếm Tchepone. Sau khi quét xong Tchepone, SĐ1BB rút lên cao địa phía nam sông Tchepone thay vì bọc thẳng về Khe Sanh theo như kế hoạch đã định. Quyết định nầy làm mất thêm thời gian, nên Việt cộng có thời giờ điều động tấn công và bao vây quân ta, làm chúng ta phải vất vả mới bốc được các đơn vị ra khỏi vùng hành quân với nhiều thương vong! Thú thật, trông thấy cảnh binh sĩ phải bám vào cần trực thăng, tôi không cầm được nước mắt.
5) Theo anh, với tư cách là Phó tư lệnh SĐ1BB, lúc đó anh còn là đại tá, anh nhận xét cuộc hành quân nầy thành công hay thất bại như thế nào? Vì lý do gì thành công hay thất bại?
- Theo tôi, cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971 không đạt được mục tiêu đã định và có một số ảnh hưởng tinh thần không tốt cho Quân đội VNCH sau đó. Tuy nhiên, quân đội VNCH cũng đã gây cho địch nhiều thiệt hại to lớn về tiếp vận và nhân lực.
6) Lúc đó, người Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa” chiến tranh, rút quân dần dần ra khỏi Việt Nam, người Mỹ có tham gia hành quân nầy không? Và người Mỹ có giúp đỡ cho quân đội VNCH không?
- Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, quân đội Mỹ đã yểm trợ tối đa bằng Không quân, kể cả B52, trực thăng đổ quân và tiếp tế tải thương. Tuy nhiên, cố vấn Mỹ không đi theo chúng ta sang Lào. Thông thường trong các cuộc hành quân trước đây, có cố vấn Mỹ đi theo, chúng ta nhờ cố vấn Mỹ gọi yểm trợ không kích. Trong cuộc hành quân Hạ Lào, do vấn đề ngoại giao, Mỹ không theo chúng ta qua Hạ Lào. Không có cố vấn Mỹ, việc gọi Không quân yểm trợ gặp một số trở ngại về chuyên môn kỹ thuật, nên việc yểm trợ không hữu hiệu, nhưng thật sự là không thể phủ nhận là Không quân Mỹ đã yểm trợ chúng ta trong cuộc hành quân nầy.
7) Trong trường hợp nào, anh trở thành tư lệnh SĐ3BB? Đây là một sư đoàn tân lập (thành lập tháng 10-1971), lấy quân từ đâu, huấn luyện như thế nào và bộ chỉ huy ở đâu?
- Có một điểm cần nêu rõ: Do nhu cầu chiến trường, bộ Tổng tham mưu Quân đội VNCH quyết định thành lập một sư đoàn mới để trấn giữ vùng giới tuyến phía Bắc vì SĐ1BB không đủ lực lượng. Tuy nhiên, có thể vì dự tính rút quân theo kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, phía Mỹ không chịu yểm trợ cho việc thành lập nầy. Mỹ đề nghị đưa một sư đoàn cơ hữu từ Nam (VNCH) ra Bắc (VNCH), hoặc điều động Biệt Động Quân ra giữ vùng giới tuyến.
Sau khi bàn bạc, Bộ TTM quyết định lấy Trung đoàn 2 SĐ1BB làm nòng cốt và tăng cường thêm lao công đào binh từ miền Nam ra. Ở đây tôi xin mở ngoặc: Thông thường, một sư đoàn có 3 trung đoàn. Riêng Sư đoàn 1BB có 4 trung đoàn. Vì vậy, cắt bớt Trung đoàn 2 SĐ1BB, thì SĐ1BB vẫn còn 3 trung đoàn. Đặc biệt nữa, Trung đoàn 2SĐ1BB lại có 5 tiểu đoàn, mà mỗi tiểu đoàn có 4 đại đội, nên Trung đoàn 2SĐ1BB có 20 đại đội. Nếu theo cách tức cũ, mỗi sư đoàn có 3 trung đoàn, mỗi trung đoàn có 3 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có 3 đại đội, thì sư đoàn tân lập cần có số đại đội là: 3 X 3 X 3 = 27 đại đội. Trong khi đó Trung đoàn 2 SĐ1BB có 20 đại đội, nên chỉ cần bổ sung thêm 7 đại đội để thành lập sư đoàn mới. Sư đoàn mới nầy là Sư đoàn 3 BB. Về tiếp liệu, SĐ3BB lấy tiếp liệu sẵn có chứ Mỹ không cung cấp đồ mới nữa.
Sư đoàn 3BB không được tập trung huấn luyện mà chỉ tiếp nhận những đơn vị sẵn có và bổ sung thêm quân số từ miền Nam ra. Bộ tư lệnh SĐ3BB và hậu cứ chính ở căn cứ Ái Tử, Quảng Trị do Mỹ để lại. Đó là thực trạng SĐ3BB trước khi đụng trận vào năm 1972.
8 ) Thưa anh, trong cuộc tấn công vào Mùa hè đỏ lửa, CSBV mở chiến dịch Trị Thiên ở Quân khu I. Sư đoàn 3 BB đóng ở tuyến đầu tại QKI. Lúc đó, tình hình địch như thế nào và tình hình quân đội VNCH như thế nào?
- Trong cuộc tấn công Mùa hè đỏ lửa năm 1972, lực lượng địch gồm có: hai sư đoàn Bộ binh 304 và 308, 5 trung đoàn BB biệt lập số 27, 31, 126, 220 và 246, 01 sư đoàn pháo binh, 2 trung đoàn thiết giáp 203, 204 và 1 trung đoàn Xe lội nước PT 76. Lực lượng quân đội chúng ta gồm có: Giai đoạn đầu SĐ 3BB, Lữ đoàn 147 TQLC, Thiết đoàn 18, Lực lượng diện địa tỉnh Quảng Trị gồm địa phương quân và nghĩa quân. Giai đoạn sau tăng phái thêm Lữ đoàn 258 TQLC, 2 Liên đoàn Biệt động quân, Lữ đoàn 1 Thiết giáp.
Trong tương quan lực lượng giữa hai bên thì rõ ràng lực lượng Việt cộng vượt trội hơn nhiều: Thiết giáp Việt cộng trang bị T54 tối tân của Liên Xô, Bộ binh Việt cộng gần 4 sư đoàn và Việt cộng chủ động tấn công trong khi chúng ta quân số ít hơn, lại bị thụ động chống trả.
9) Xin anh vui lòng trình bày lại diễn tiến của trận đánh nầy.
- Trận đánh nầy bắt đầu ngày 29-3-1972, thật bất ngờ với chúng tôi. Phía VNCH, chúng tôi không được tin tức tình báo việc chuyển quân của địch. Lúc đó hai trung đoàn của SĐ3BB chúng tôi đang đổi quân. Trung đoàn 2 và Trung đoàn 26 hoán chuyển vị trí. Trong lúc chuyển quân thì chúng ta phát giác Việt cộng cũng đang chuyển quân. Thế là chiến trận xảy ra. Kể từ đó, Cộng quân tấn công liên tục trong vòng một tháng.
Về phía cố vấn Mỹ, ngay từ đầu, do những tin tức tình báo về phía Mỹ, đại tá cố vấn Metcalf đã cho tôi hay là: Đây không phải là cuộc tấn công bình thường như trước đã xảy ra, mà là cuộc tổng tấn công tổng lực toàn diện, cho nên không thể phòng thủ bằng cụm cứ điểm được. Việt cộng đưa quân vượt sông Bến Hải rất đông, sẽ tấn công và tràn ngập các cứ điểm, và sau cùng sẽ tấn công vào căn cứ cuối cùng.
Do đó, đại tá Metcalf đề nghị nên phòng thủ di động mới chống cự được. Tôi cho rằng đây là kế hoạch tốt nhất để áp dụng và tôi đã tự mình soạn thảo và vạch ra kế hoạch di chuyển từ tuyến 1 đến tuyến 3. (Tuyến 1 là khúc sông Cam Lộ hay Đồng Hà. Tuyến 2 là khúc sông Thạch Hãn. Tuyến 3 là sông Mỹ Chánh.)
10) Lúc đó, do áp lực nặng nề của Cộng quân, SĐ3BB phải rút lui. Thưa anh có thể cho biết cuộc rút quân đó do lệnh của ai hay do chính bộ Tư lệnh Sư đoàn quyết định? Lúc đó, bộ Tư lệnh Quân đoàn I có ý kiến gì không?
- Tôi xin nói ngay là chúng tôi không rút lui mà chúng tôi chuyển quân chiến thuật. Trước khi ra lệnh di chuyển về tuyến 3 (sông Mỹ Chánh), tôi đã trình lên Bộ tư lệnh Quân đoàn I, đồng thời khi biết quyết định nầy, đại tá Metcalf điện báo cho thượng cấp của ông là đại tướng Creighton Abrams, thì tướng Abrams trả lời cho Metcalf như sau: “Tướng Giai có toàn quyền hành động”. Phía Quân đoàn I, khi tôi trình kế hoạch chuyển quân, tư lệnh Quân đoàn I là trung tướng Hoàng Xuân Lãm không trả lời, nhưng vì tình hình khẩn cấp tôi đã ra lệnh chuyển quân, thì vào phút chót trung tướng Lãm ra lệnh tử thủ Quảng Trị, nghĩa là không chấp thuận kế hoạch chuyển quân của tôi, nhưng đã trễ vì lệnh chuyển quân đã bắt đầu thi hành rồi nên không thể lấy lại lệnh. Vì vậy tôi đã bị cấp trên quy tội là “Bất tuân thượng lệnh.”.
Tôi nhấn mạnh là chúng tôi không rút lui. Chúng tôi chuyển quân theo chiến thuật cần thiết để đối phó với tình hình lúc đó. Rút lui có nghĩa là mở cuộc hành quân, hay tấn công một nơi nào đó, rồi sau đó rút lui. Đàng nầy, không phải chúng tôi rút lui, tức bỏ đi, mà chúng tôi chỉ chuyển quân, bảo toàn lực lượng và chờ đợi cơ hội phản công. SĐ3BB và các đơn vị tăng phái di chuyển theo kế hoạch đã vạch ra.
Cuộc chuyển quân diễn ra theo đúng kế hoạch. Chỉ có một cuộc chạm súng nhỏ và chúng tôi đã hạ được 2 xe tăng PT76 của Việt cộng. Thương vong về phía chúng ta trong cuộc rút quân rất thấp, vì tất cả đi về phía đông quốc lộ 1, nhưng bị thổi phồng lên hàng ngàn người. Sự chết chóc trên quốc lộ 1 từ Quảng Trị về Mỹ Chánh xảy ra không phải riêng trong cuộc chuyển quân của chúng tôi mà trước đó đã xảy ra trong suốt tháng 4-1972 khi dân chúng di chuyển từ Quảng Trị về Huế, lúc Việt cộng bắt đầu tấn công từ ngày 29-3-1972.
Cuộc chuyển quân của SĐ3BB về tuyến phòng thủ 3 (sông Mỹ Chánh) coi như thành công chứ không thất bại, nhưng tôi không có thời gian để chấn chỉnh đội ngũ SĐ3BB vì sau ngày 30-4-1972, tôi được gọi về bộ Tổng tham mưu phúc trình sự việc. Đại tá Ngô Văn Chung, tư lệnh phó SĐ3BB tạm thay tôi cho đến khi thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh được cử làm tân tư lệnh SĐ3BB.
11) Hậu quả đầu tiên của cuộc chuyển quân nầy là anh bị kỷ luật. Xin anh cho biết rõ những biện pháp kỷ luật đối với anh.
- Về bộ Tổng tham mưu, tôi trình diện ở Phòng thanh tra và bị giữ tại Đại đội Tổng hành dinh một tháng. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh truy tố tôi. Tôi bị chuyển qua Khám Chí Hòa và bị đưa ra Tòa. Tòa án Quân sự kết án tôi năm năm tù vị tội “bất tuân thượng lệnh”. Tôi bị giam giữ ở Khám Chí Hòa. Đang thọ án, biến cố 30-4-1975 xảy ra. Khám Chí Hòa tự động mở cửa cho mọi người ra ngoài. Tôi đi về nhà.
12) Đời sống trong khám Chí Hòa như thế nào, thưa anh?
- Người ta cho tôi sống riêng trong một căn nhà nhỏ như cái thư viện. Sau đó có thêm vài người nữa như chuẩn tướng Trần Quốc Lịch, ông Nguyễn Tấn Đời. Đời sống thoải mái. Cơm nước do gia đình mang vào. Trong thời gian nầy, vị tướng tư lệnh Mỹ ở Thái Lan vào thăm tôi trong Chí Hòa, đề nghị đưa tôi ra cầm quân trở lại, nhưng tôi thấy khó làm việc trong hoàn cảnh lúc đó nên tôi yêu cầu để tôi có thời giờ suy nghĩ.
13) Là một quân nhân, anh im lặng chấp nhận kỷ luật, nhưng trong tận cùng suy nghĩ của anh, anh có thấy mình bị oan ức không? Xin anh thành thật kể ra.
- Tôi nhận trách nhiệm những gì tôi làm. Tôi im lặng chịu đựng tất cả hậu quả những gì tôi đã làm mà tôi cho là đúng với tình hình. Tôi ra lệnh chuyển quân để lập tuyến phòng thủ mới như đã dự định nhằm tạo lại thế phản công thay vì bị động, nhằm tránh thương vong trong sự co cụm, để Việt cộng vào và chúng ta dùng phi pháo tiêu diệt, rồi sẽ tấn công trở lại. Đúng như những gì sau đó xảy ra, cổ thành Quảng Trị là mồ chôn hàng ngàn Việt cộng, sau khi SĐ3BB ra khỏi cổ thành.
Tôi nghĩ rằng tổng thống Thiệu đã không hiểu được tình hình thực tế tại chiến trường mà chỉ khăng khăng giữ từng tấc đất và rồi để mất tất cả. Đó là kết quả của những vị tướng làm việc sau bàn giấy.
14) Sau ngày 30-4-1975, vì sao anh bị kẹt lại ở Việt Nam? Anh bị Cộng sản bắt giam ở đâu, trong bao lâu?
- Sau ngày 30-4-1975, mới ra khỏi tù, tôi về ở nhà, không đi đâu nữa. Tôi sống với gia đình cho đến khi đi “tập trung cải tạo” tức bị đi tù cộng sản ngày 16-5-1975.
Tôi bị giam cùng với các tướng lãnh khác ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung một năm. Trong năm nầy, chúng tôi phải học 10 bài. Tôi nhớ bài thứ nhất là “Đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, là kẻ thù nhân dân ta”. Bài thứ hai là “Ngụy quân ngụy quyền, tay sai của đế quốc Mỹ là kẻ thù của nhân dân ta”. Tôi quên đề tài mấy bài giữa. Bài số 10, tức bài cuối cùng là “Lao động là vinh quang”.
Sau bài số 10 nầy, Việt cộng bảo rằng ở đây không có đất để chúng tôi thực tập lao động, nên chuyển bọn tù chúng tôi ra Bắc, ở trại 5 Hoàng Liên Sơn. Ở tại đây cho đến năm 1978, Trung cộng đe dọa vùng biên giới, chúng tôi bị di chuyển về Hà Tây biệt giam. Năm 1983, tôi chuyển trại một lần nữa, đến trại tù Nam Hà. Cuối năm 1987, tôi ra tù và được qua Mỹ theo chương trình H.O. 16 năm 1993. Trước khi ra đi, Việt cộng bắt tôi phải ký giấy cam kết không được hoạt động chống đối chúng nó. Có lẽ không phải riêng tôi, mà ai ra đi chúng nó cũng đều bắt buộc như vậy.
15) Là một sĩ quan cấp tướng, khi hỏi cung anh, CS chú trọng đến những vấn đề nào nhất?
- Khi hỏi cung tôi, lúc đầu Việt cộng hỏi nhiều về âm mưu của Mỹ sau ngày 30-4-1975. Mục đích của Việt cộng là tìm bắt những ai còn hoạt động chống cộng và tìm những ai là người do Mỹ cài lại Việt Nam. Việt cộng cũng cho tôi là người của Mỹ, có lẽ là vì lúc tôi bị giữ ở Khám Chí Hòa, có vị tướng Tư lệnh Lực lượng Mỹ ở Thái Lan vào thăm tôi. Có thể chúng được ai đó báo cho biết việc nầy, nên chúng nó nghi ngờ tôi. Chúng cũng hỏi tôi lúc ở Quảng Trị có được “cách mạng móc nối” không? Tôi trả lời là không. Như thế là có thể Việt cộng đã sai người kiếm cách móc nối tôi, nhưng chúng không móc được. Ngoài ra, Việt cộng bắt tôi viết tự thuật lại toàn bộ đời tôi.
16) Cuối cùng, anh ra nước ngoài năm nào? Đời sống của anh hiện nay ra sao?
- Tôi đến Mỹ ngày 3-3-1993, theo chương trình H.O. 16. Đời sống của tôi nay đã ổn định, an dưỡng tuổi già, con cái đã trưởng thành. Thật là hạnh phúc sau 77 năm cuộc sống phiêu bạt: 7 năm thời thơ ấu, 11 năm học đường, 19 năm binh nghiệp, 3 năm tù thời VNCH, 12 năm rưỡi tù cộng sản, 5 năm chờ đợi ở Sài Gòn và 18 năm trên đất Mỹ…
KẾT LUẬN: Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi khá lâu, khoảng 4 giờ đồng hồ, rất vui vẻ, chân tình. Xin cảm ơn anh Giai. Kể lại chuyện xưa, cựu chuẩn tướng Giai trình bày rất tự nhiên thoải mái, không có gì là bực bội hay hằn học đối với các cấp lãnh đạo quân đội VNCH đã truy tố và bỏ tù ông.
Ngay sau trận Quảng Trị tháng 4-1972, chuẩn tướng Vũ Văn Giai đã bị “hy sinh”, bị đưa ra tòa, bị ghép tội “bất tuân thượng lệnh” và lãnh án 5 năm tù giam. Vụ án của ông còn bị dư luận thổi phồng vì hai lý do: 1) Người dân chỉ thấy cuộc chuyển quân thất bại và nhiều người chết trên con đường Quảng Trị-Huế, mà không biết diễn tiến nội vụ chuyện chuyển quân, và quên chú ý rằng người ta chết vì suốt một tháng giao tranh trong khi việc chuyển quân chỉ diễn ra một ngày vào cuối tháng 4-1972. 2) Những lãnh đạo của tướng Giai tìm cách tránh né trách nhiệm của chính các ông về những sai lầm trong cuộc hành quân, và đổ hết tội lỗi lên hai vai của tướng Giai. Ông gánh chịu dư luận quốc nội cũng như quốc tế thay cho các cấp lãnh đạo trung ương và Quân đoàn I.
Tuy nhiên, dần dần theo thời gian, những uẩn khúc về trận đánh nầy được làm sáng tỏ. Gần đây nhất, trong cuộc hội thảo “Việt Nam, 35 năm nhìn lại” vào tháng 4-2010 tại Washington D.C., sử gia Dale Andrade, thuộc Trung Tâm Lịch Sử Quân Đội Hoa Kỳ, đã nói như sau:
Thấy được sự nghiêm trọng của vấn đề, tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ Binh, ra lệnh lui quân về phía Nam để có thể tạo ra một đồn lũy vững chãi hơn. Các cố vấn Hoa Kỳ cho rằng đây là một quyết định hợp lý, có cơ sở, có triển vọng giữ lại được hàng ngũ của ông trong tình thế hiểm nghèo lúc đó. Nhưng tiếc thay, ngay khi kế hoạch chuyển quân bắt đầu, thì nửa đêm hôm đó, tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Quân đoàn I, gọi phôn ra, ra lệnh tử thủ Quảng Trị…. Sau khi Quảng Trị thất thủ, tướng Giai bị đổ hết tội lỗi lên đầu, và còn bị bỏ tù. Tướng Giai đã bị đối xử bất công. Tôi cho rằng ông đã làm hết sức mình trong một hoàn cảnh rất khó khăn trước quân thù, khi không được cả sự đồng thuận của đồng đội…” (Nhật báo NGƯỜI VIỆT, California, ngày Thứ Hai 26-4-2010, số 8906, tr. A6)
Một người đứng ngoài cuộc chiến như Dale Andrade, với đầy đủ điều kiện nghiên cứu, sàng lọc nhiều tài liệu trong văn khố quân sử Hoa Kỳ, nắm rõ diễn tiến các trận đánh, hy vọng là khách quan và khả tín.
Tuy nhiên, có một điều quan trọng đáng nói hơn hết: cựu chuẩn tướng Vũ Văn Giai, trong cương vị tư lệnh SĐ3BB, năm 1972 đã tận lực chiến đấu với tất cả khả năng của mình nhằm bảo vệ tuyến đầu đất nước. Ông là một tướng lãnh tận trung với Tổ quốc, can đảm, tận tụy, nhưng kết quả không may mắn, ông đành im lặng xuôi theo số phận vào cuối đời binh nghiệp, mà vẫn không thẹn với lương tâm, với đồng đội và với dân tộc.
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 3-8-2011)
@ Trần Gia Phụng